GS TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã nhấn mạnh như vậy về phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới.
PV: Thưa ông, trong tình hình hiện nay để Hà Nội đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2021, cá nhân ông có lưu ý gì về những giải pháp được thành phố đưa ra?
GS TS Hoàng Văn Cường: Hiện Hà Nội đã kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khá tốt. Đây là điều kiện để mở cửa có lộ trình các hoạt động kinh tế. Đặc biệt, các khu công nghiệp, nông nghiệp cần được khôi phục hoạt động sản xuất đến mức cao nhất. Muốn thế cần chia nhỏ các hoạt động để dễ kiểm soát. Giả sử nếu có phát sinh dịch bệnh sẽ chỉ cách ly từng phần tại các nhà máy công xưởng. Với cách làm như vậy quy mô sản xuất tại các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn Hà Nội có thể mở ở mức cao nhất.
Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề được Hà Nội xác định trong những năm qua. Vậy có phải giờ là lúc cần quan tâm hơn đến vấn đề này, thưa ông?
- Trong dịch bệnh không thể diễn ra các hoạt động trực tiếp, không tập trung thực hiện các giao dịch mà tăng cường sử dụng nền tảng trực tuyến. Cho nên các cơ quan hành chính của Hà Nội cần phải thay đổi phương thức quản lý, sử dụng công nghệ thông tin, cắt giảm các thủ tục giao dịch trực tiếp, nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Hiện Hà Nội cũng đang thực hiện mô hình “chính quyền đô thị”. Qua đó đã giảm bớt một số cơ quan trung gian, bộ máy để tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Đó cũng là việc quan trọng để thực hiện tốt hơn trong cải cách thủ tục hành chính.
Vừa qua Hà Nội đã thông qua và quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 -Vùng Thủ đô. Để tạo bứt phá cho kinh tế thành phố trong những năm tới có cần tập trung vào các dự án trọng điểm như vậy để có sức lan tỏa?
- Cá nhân tôi cho rằng, Thủ đô phải có các công trình lớn mang tính trọng điểm để thu hút đầu tư tư nhân, tạo sự thay đổi về không gian phát triển, tạo nguồn lực mới. Đó chính là các yếu tố quan trọng. Do đó cần đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời kết hợp với đầu tư tư nhân bằng phương thức “đặt hàng”. Khi “đặt hàng” thì nhà nước chỉ bỏ ra 1 phần ngân sách và tư nhân bỏ nhiều hơn để thực hiện nhiệm vụ. Đó là phương thức cần thiết trong lúc này. Hà Nội cũng đang đánh giá tổng kết thực hiện Luật Thủ đô để sửa đổi. Qua đó cần đề xuất đưa ra các cơ chế vượt trội và đột phá hơn nữa cho thành phố.
Trong phát triển, ở tầm nhìn dài hạn, nhất là giai đoạn 2021-2025 có lẽ Hà Nội cũng cần có những hướng đi chiến lược, thưa ông?
- Kinh tế của Thủ đô không đơn thuần chỉ là quy mô kinh tế, mà cần thể hiện được các “hình mẫu” về cơ chế quản lý, hoạt động kinh tế ở trình độ cao. Ví dụ như công nghệ cao, khoa học kỹ thuật, kinh tế số, nền tảng số. Nghĩa là kinh tế của Hà Nội phải tăng trưởng đi vào những lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng cơ chế mới, sử dụng các kinh tế số, chuyển đổi số.
Trân trọng cảm ơn ông!