Xã hội

Hà Nội: Chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Thái Nhung 19/06/2024 17:07

Thời gian qua, thành phố Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đa dạng ngành, nghề và doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy công tác giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục

Ngày 19/6, Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề "công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố".

5(1).jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: hanoimoi.vn

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam cho biết, công tác tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố được thực hiện chủ động, căn cứ trên tình hình thực tiễn và đặc thù của thành phố, góp phần triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương đã ban hành.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tập trung mọi nguồn lực, tìm mọi biện pháp, không ngừng đổi mới nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bắt kịp xu thế và sự thay đổi của xã hội.

Đồng thời, các phiên giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên, đa dạng ngành, nghề và doanh nghiệp tham gia với số lượng lớn vị trí việc làm đã góp phần thúc đẩy công tác giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.

Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề giai đoạn 2020 - 2023 vượt 6,14% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm góp phần quan trọng cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề.

Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho người lao động tìm được việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật...

Cần có chính sách đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao

Tại hội nghị, các cử tri cho rằng cần thêm những chính sách phù hợp với từng đối tượng, ngành nghề.

Theo đó, hiện nay nhiều ngành đào tạo trong các trường đại học sẽ có sự thay đổi về mặt nhu cầu của thị trường lao động, vậy thành phố đã có sự chuẩn bị như thế nào để lao động của thị trường Hà Nội có thể đáp ứng nhu cầu và cạnh tranh với thị trường lớn hơn.

Bên cạnh đó, nhiều nhà máy điện tử, da giày, thời trang… đặt ở vùng ven Hà Nội hiện đang tìm lao động tại các địa phương nhưng gặp khó do chênh lệch chất lượng. Điều này đặt ra bài toán liên thông, liên kết vùng, cách tiếp cận của người lao động với nghề phù hợp để doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước không còn gặp khó vấn đề tuyển lao động.

Đại diện các trường đào tạo nghề cho rằng, các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhiều ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhưng tuyển dụng tỉ lệ thấp; nhiều ngành nghề về năng lượng thông minh, tái tạo robot không đạt tỷ lệ tuyển dụng tại Hà Nội phải tìm về các tỉnh.

Do đó, Hà Nội cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao. Cùng với đó, cần phân luồng tốt học sinh, để đảm bảo với ngành nghề chất lượng cao thì học sinh phải có chất lượng tương đối đáp ứng đào tạo; cần căn cứ điều kiện gia đình học sinh và theo đối tượng từng vùng miền trong việc đào tạo nghề.

Muốn nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có đội ngũ giáo viên, hệ thống trường chất lượng, vì thế cần đầu tư vật chất cho các trường đào tạo nghề để bắt kịp nhu cầu xã hội…

Phát biểu tiếp thu các ý kiến cử tri, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố sẽ tiếp tục rà soát nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các kế hoạch, chương trình, Đề án về phát triển nguồn nhân lực Thủ đô của thành phố và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 sau khi được ban hành...Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững.

Đồng thời, tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, sáng tạo, chất lượng cao, bền vững; việc làm xanh; việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững...

Thành phố Hà Nội cũng tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó tập trung ưu tiên cho vay đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng đặc thù của thành phố như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động tại khu vực nông nghiệp nông thôn, lao động mất việc làm hoặc thu nhập thấp vay để mở rộng việc làm, tăng thu nhập...

Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề được Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật; đồng thời nắm bắt ý kiến phản ánh của cử tri về thực trạng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề được thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật, tiếp thu tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri và nhân dân chuyển đến cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm