Để mức thu học phí mới không quá đột biến so với mức thu hiện nay, UBND TP Hà Nội đề xuất mức thu học phí năm học 2015 – 2016 bằng mức thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
1/12 là thời điểm Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 do Chính Phủ ban hành quy định về cơ chế thu, quản lý học phí... chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều trường dự kiến đến ngày 1/1/2016 mới bắt đầu áp dụng mức học phí mới. Cụ thể, UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết Quy định về mức thu học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của TP Hà Nội từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Theo đó, khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 – 2016 được quy định như sau: Đối với khu vực thành thị từ 60 – 300 nghìn đồng/ tháng/ học sinh (HS); Khu vực nông thôn từ 30 – 120 nghìn đồng/ tháng/HS; Khu vực miền núi từ 8 – 60 nghìn đồng/ tháng/HS. Từ năm học 2016 – 2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo. Các cơ sở giáo dục thường xuyên được áp dụng mức học phí tương đương với học phí của các trường phổ thông công lập cùng cấp học trên địa bàn.
Để mức thu học phí mới không quá đột biến so với mức thu hiện nay, UBND TP Hà Nội đề xuất mức thu học phí năm học 2015 – 2016 bằng mức thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học. Tờ trình cũng đưa ra đề xuất về các đối tượng được miễn giảm và hỗ trợ học phí.