Đến nay đã có khoảng 78% người dân Hà Nội được sử dụng nước sạch (tăng 40,8% so với tháng 6/2016). Tuy nhiên, Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa để người dân không còn lâm vào cảnh thiếu nước sạch như thời gian qua.
Chờ mưa mới có nước sạch
Anh Đàm Trọng Song (trú tại xóm 5, xã Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, vì thiếu nước sạch, trung bình mỗi gia đình trong xã có từ 2 đến 4 cái giếng khoan trong nhà. Tuy nhiên, gia đình anh Song phải khoan đến 6 giếng mới có đủ nước dùng. Mỗi ngày, nhà anh phải bơm nước 2 lần vào buổi sáng và chiều.
Theo nhiều người dân nơi đây, mỗi mũi khoan có giá từ 25 đến 30 triệu đồng, tùy vào độ sâu của giếng và tầng địa chất ở khu vực. Có giếng phải khoan sâu tới 70 mét, có nhà phải khoan đến 4 vẫn chưa thấy nước. Tiền điện để vận hành hệ thống máy bơm của các hộ dân luôn ở mức trên dưới 1 triệu đồng.
Không có nước sạch để dùng, đương nhiên người dân không thể không khoan giếng dù chất lượng nước rất kém. Nhưng thậm chí ngay cả khoan giếng nhiều khi cũng không tìm ra nước thế nên để có nước dùng người dân xã Phúc Lâm chỉ hy vọng trời mưa để có nước sạch ăn uống.
Thiếu nước, không có nước sạch để dùng không chỉ là nỗi niềm của người dân xã Phúc Lâm, Mỹ Đức. Hiện người dân xã Xuân Dương (Thanh Oai, Hà Nội) cũng lâm vào cảnh chờ nước sạch. Theo tìm hiểu của phóng viên, suốt nhiều năm qua, người dân ở đây vẫn dùng nước qua trạm của địa phương. Tuy nhiên theo phản ánh, những trạm cấp nước này không đảm bảo để sử dụng ăn uống.
Bà Nguyễn Thị Xinh (xã Xuân Dương, Thanh Oai, Hà Nội) cho hay, nước ở đây có mùi tanh như thể ai bỏ sắt vào trong thùng nước. Ban đầu, bà Xinh nghi ngờ có người đổ chất lạ vào nguồn nước gia đình. Nhưng hóa ra đó là tình trạng chung của cả xóm và nhiều nơi trong xã.
Được biết, năm 2019, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và cho kết quả nước tại đây nhiễm Amoni, Asen, Coliform và Ecoli.
Chung cảnh ngộ, hàng nghìn hộ dân thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội) đang phải sử dụng nguồn nước (giếng khoan) ô nhiễm và độc hại. Điều đáng nói, cách cổng làng Hạ Thái (xã Duyên Thái) mấy bước chân là xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) hệ thống nước sạch đã đến từng hộ dân.
Theo những người dân xã Duyên Thái, tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt tại đây đã diễn ra từ lâu nhưng chưa được khắc phục dù cách trung tâm thành phố không bao xa. Để khắc phục tình trạng “khát” nước sạch, những người dân tại đây đã phải đào giếng khoan và tự chế các bể lọc. Tuy nhiên, do nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm nên dù đã được lọc rất kỹ nhưng nước giếng khoan vẫn bốc mùi tanh hôi rất khó chịu.
Anh Nguyễn Ngọc Tuân (cụm 5, Duyên Trường xã Duyên Thái) cho biết, đến nay vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, ngoài lọc bằng bể lọc cát thì những chiếc máy lọc là nguồn sống của gia đình. Cứ khoảng hơn 1 tháng là bắt buộc phải thay lõi lọc do có nhiều cặn bẩn bám vào.
Không chỉ tốn tiền thay lõi lọc mà việc bơm nước giếng khoan cũng “ngốn” khá nhiều tiền điện. Tuy nhiên tốn tiền chỉ là chuyện nhỏ so với việc họ phải ăn nước không đảm bảo chất lượng, điều này có ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào thì chưa ai có thể lý giải được.
Để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, một số người dân nơi đây cho biết, người dân xã này đã mua nước tại trạm cấp nước giếng khoan có chất lượng tốt nhất của xã Duyên Thái nhưng giá của nước này cũ khá “chát”. Theo đó, họ phải trả 7.000 đồng cho 1 bình 20 lít. Nếu mua 1 khối nước, người dân ở đây đang phải trả 350.000 đồng gấp khoảng 50 lần giá nước sạch tại nội thành.
Không chỉ ở khu vực ngoài thành mà tình trạng thiếu nước sạch vẫn tồn tại ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Hà Đông. Cả phường Phú La, quận Hà Đông và phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai hiện vẫn đang sử dụng nguồn nước ngầm do nhà máy nước sạch Hà Đông và Pháp Vân cung cấp.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Đánh giá về công tác phủ mạng cấp nước sạch về nông thôn, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Lê Văn Du cho biết, thời điểm tháng 6/2016 chỉ có 37,2% số hộ dân nông thôn có nước sạch, đến nay tăng lên 78%.
Trong đó, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh… có tỷ lệ phủ mạng cao. Ngược lại, một số huyện có tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp, như: Chương Mỹ (32%), Ứng Hòa (38%), Mỹ Đức (40%), Thường Tín (45%)…
Theo ông Du, nguyên nhân khiến người dân ở một số địa phương trên địa bàn Thủ đô chưa được dùng nước sạch là do có 4/11 dự án phát triển nguồn nước chậm tiến độ. Đáng nói, các dự án phát triển nguồn nước chậm triển khai kéo theo 10/29 dự án phát triển mạng cấp nước cũng không thể đưa vào vận hành. Chưa kể, với các dự án đã đưa vào khai thác, tỷ lệ hộ dân đấu nối, sử dụng nước thấp, tiền nước thu được không đủ bù đắp chi phí đầu tư, quản lý vận hành, khấu hao... cho nhà đầu tư.
Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam (đơn vị thực hiện Dự án xây dựng hệ thống đường ống cung cấp nước sạch cho 16 xã của huyện Quốc Oai, 10 xã của huyện Thạch Thất) Vũ Kim Hà cho biết: “Công ty đầu tư gần 40 tỷ đồng làm 40km đường ống mạng cấp nước cho xã Phú Cát (huyện Quốc Oai), song sau 5 tháng cấp nước ổn định, mới có 101 hộ đăng ký lắp đồng hồ”.
Về giải pháp cấp nước cho 4 xã miền núi và ngoài bãi sông Hồng, một số địa phương đã đề nghị đưa ra một số giải pháp cụ thể. Chẳng hạn với huyện Ba Vì, huyện này đề xuất UBND thành phố xem xét, cho phép áp dụng chính sách hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt đường ống chính cấp nước để bảo đảm hết năm 2021, toàn huyện có 100% hộ dân được cấp nước sạch.
Còn tại huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Minh Hiến cho biết, huyện đã đề xuất UBND thành phố đôn đốc nhà đầu tư - Công ty cổ phần Môi trường đô thị Xuân Mai - đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cấp nước sạch cho 8 xã nhằm cấp nước cho gần 50% hộ dân trên địa bàn huyện.
Hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch Cấp nước của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được hoàn thiện, trình Bộ Xây dựng thẩm định. Bộ Xây dựng đã thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến về một số nội dung do thành phố Hà Nội đề xuất trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.
Để mở rộng phủ mạng nước sạch nông thôn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng thông tin, Sở Xây dựng đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố yêu cầu UBND các huyện, thị xã tiếp tục vận động người dân đấu nối sử dụng nước sạch, bảo đảm sức khỏe cộng đồng; tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư về mặt bằng; kiểm tra chất lượng và tuyên truyền người dân ngừng sử dụng giếng khoan.
“Cùng với việc yêu cầu các nhà đầu tư tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án, các sở, ngành đã báo cáo UBND thành phố điều chỉnh giá nước, đề xuất cơ chế trợ giá phù hợp cho khu vực nông thôn... Đối với những dự án triển khai chậm hoặc không thực hiện, liên ngành đề xuất thu hồi, chuyển đổi nhà đầu tư”, ông Hoàng Cao Thắng cho biết.
Theo ông Vũ Kiên Trung, Phó Trưởng khoa Sức khỏe Môi trường Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, qua 4 lần kiểm tra gần nhất, nhà máy nước Hà Đông cơ sở 2 cung cấp cho khu vực phường Phú La có tới 2 lần không đạt chất lượng, riêng nhà máy nước Pháp Vân lên đến 3 lần, trong đó phát hiện các chỉ tiêu amoni, asen, pemaganat… đều vượt quy chuẩn cho phép.