Những ngày gần đây, số ca dương tính SARS-CoV-2 tại Hà Nội có xu hướng giảm. Tuy nhiên, chưa thể chủ quan vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn. Nói như PGS Trần Đắc Phu thì “đây là giai đoạn rất nhạy cảm của Hà Nội trong phòng, chống Covid-19”.
Ca cộng đồng có giảm
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), những ngày qua, số ca lây nhiễm cộng đồng giảm rõ rệt. Đặc biệt hơn khi Hà Nội đang thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng.
Trả lời Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định: “Trong thời gian qua, Hà Nội đã xét nghiệm tất cả các trường hợp sốt và tiến hành xét nghiệm trên diện rộng thì thấy số ca mắc không tăng, đó là sự thành công.
Những ca mắc phát hiện chủ yếu trong khu cách ly và khu phong tỏa cho thấy dịch không có dấu hiệu bùng lên. Việc xét nghiệm trong thời gian vừa qua của Hà Nội đã đi đúng hướng. Phải xem kết quả xét nghiệm diện rộng mới có thể đánh giá được tình hình thực tế của Hà Nội một cách chính xác”.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH khoá XV cho rằng, mức độ dịch bệnh tại Hà Nội được giữ ổn định và có xu hướng giảm trong những ngày qua. Số ca lây nhiễm không tăng mạnh trong bối cảnh Hà Nội triển khai xét nghiệm trên diện rộng có thể coi là một thành công của công tác phòng, chống dịch.
Nhưng vẫn trong giai đoạn phức tạp
Hôm nay, ngày 20/8, khu vực kinh doanh rau củ quả và hàng hoá thiết yếu tại chợ đầu mối phía Nam Hà Nội sẽ bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại với những biện pháp phòng, chống dịch được tăng cường để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc một số chợ đầu mối mở cửa trở lại là cần thiết. “Chợ là nơi cung cấp hàng hóa, nếu chúng ta không cho cung cấp thì người dân cũng không tiêu thụ nông sản được. Bên cạnh đó, giá cả sẽ bị tăng. Nhưng phải thiết kế, quy hoạch lại để xây dựng mô hình chợ an toàn. Hiện nay Sở Công Thương Hà Nội đang phối hợp với các địa phương và tham mưu cho thành phố để đưa ra những mô hình chợ an toàn”.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Phu, tình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và lâu dài, vì thế phải tiến hành nghiêm chỉnh các biện pháp giãn cách nghiêm, để cắt đứt sự lây nhiễm; phải tuân thủ nghiêm biện pháp 5K; thực hiện lối sống an toàn với dịch.
“Đây là giai đoạn rất nhạy cảm, Hà Nội sẽ bị tổn thương nếu không tiến hành nghiêm chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, nhiều F0 nằm trong nhóm di chuyển, tiếp xúc nhiều người như y tế, công an, nhân viên giao hàng nên nguy cơ đối với Hà Nội vẫn còn ở mức cao”.
Ông Phu cũng cho rằng, ngoài việc chốt chặn ở cửa ngõ thì vấn đề quan trọng là người dân phải thực hiện tốt 5K với phương châm người dân an toàn, gia đình an toàn từ đó khu phố an toàn. “Hà Nội thực hiện rất tốt việc nhân rộng và phát triển các vùng xanh khi dựa vào sự tự quản của người dân” - ông Phu nói.
Kết luận của Thường trực Thành uỷ Hà Nội mới đây về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thì nguy cơ lây lan dịch vẫn ở mức cao và khó lường. Để giữ gìn thành quả chống dịch, Thường trực Thành uỷ yêu cầu các quận, huyện tiếp tục bố trí, nâng cao hiệu quả thực chất các chốt kiểm soát phòng, chống dịch ngay tại ngõ, phố, thôn xóm. Các nơi phòng toả phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hoá cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài, phòng ngừa lây lan dịch trong khu phong toả.