Ngày 8/12, HĐND TP Hà Nội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, công tác phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm năm 2022.
ĐB Nguyễn Minh Đức, tổ đại biểu quận Hoàng Mai đề nghị, phải chuyển đổi nhanh sau hậu Covid-19. Covid-19 trong 2 năm qua đã thay đổi rất nhiều thói quen sinh hoạt của người dân, cách vận hành của doanh nghiệp, xã hội, do đó TP cần phải quan tâm đặc biệt đến thực hiện chủ trương của Chính phủ kinh tế số, chuyển đổi số.
Còn ĐB Phạm Đình Đoàn, (tổ đại biểu huyện Mê Linh) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô cần có sự hỗ trợ sát sao hơn nữa của lãnh đạo chính quyền các cấp, các sở ban ngành TP trong lúc khó khăn. Đồng thời mong muốn TP có những chính sách động viên các lãnh đạo chính quyền các cấp, lãnh đạo sở ban ngành để quan tâm hơn nữa đến doanh nghiệp.
Giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, với mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đặt ra 7-7,5%, bám sát chỉ tiêu của Trung ương và tình hình cụ thể của TP, vì thế Hà Nội tiếp tục kiên trì các mục tiêu, đặt ra 5 nhóm giải pháp, trong đó lĩnh vực tế sẽ tập trung vào 5 nhóm chính sách và định hướng của Trung ương. “UBND TP đã báo cáo HĐND TP gói đầu tư 1000 tỷ đồng để tăng cường cho y tế cơ sở”-ông Hải thông tin.
Liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội, theo ông Hải, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc đầy đủ chính sách của Trung ương và bổ sung thêm các nhóm đối tượng đặc thù, nhất là công nhân lao động; hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó thực hiện các giải pháp về tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế phí, cho vay ưu đãi để doanh nghiệp có thêm nguồn lực. Đặc biệt là các nhóm chính sách về đầu tư công; quản lý điều hành, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh chuyển đổi số.
Đối với những đơn vị triển khai dự án chậm hoặc không hiệu quả, ông Hải cho biết TP đã điều chỉnh sang những đơn vị khác đạt hiệu quả hơn. “Khi rà soát, các đơn vị đều quyết tâm rất cao, cam kết góp phần đạt tỷ lệ giải ngân của Chính phủ giao là 93%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngoài các yếu tố khách quan như dịch bệnh bùng phát, giá nguyên vật liệu xây dựng đầu năm tăng cao, các chuyên gia không sang được và máy móc không nhập được do dịch bệnh, giải ngân vốn ODA năm nay khó khăn còn bởi những nguyên nhân chủ quan, điểm nghẽn như: Cơ chế chính sách chuẩn bị đầu tư, phối hợp còn hạn chế, năng lực chuyên môn của một số cán bộ trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, sự quyết liệt trong triển khai GPMB và tháo gỡ khó khăn trong đó đề xuất để gỡ vướng là chưa rõ nét”-ông Hải giải trình và thông tin trong năm 2022 TP sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng. Theo đó tổ này sẽ làm việc với từng đơn vị, dự án để tháo gỡ khó khăn, công khai từng dự án, chủ đầu tư và có giải pháp về thi đua khen thưởng trong thực hiện các dự án.