Xã hội

Hà Nội đầu tư xây mới và nâng cấp 105 chợ

Kim Huệ 12/12/2024 09:11

Nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh về chợ trên địa bàn Hà Nội, thành phố đã đặt mục tiêu đến hết năm 2025 dự kiến cải tạo và xây mới 105 chợ, trong đó xây mới 34 chợ; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 71 chợ.

anhtren(1).jpg
Hàng mây tre đan ở chợ Nủa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Việt Anh.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2025. Trong đó, đối với hoạt động đầu tư xây chợ mới, xây dựng lại; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, Hà Nội dự kiến khởi công 105 chợ.

Việc này, theo UBND TP Hà Nội, nhằm từng bước đầu tư, cải tạo hoàn thiện mạng lưới chợ, đảm bảo các chợ hiện có hoặc sẽ đầu tư đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kinh doanh, khắc phục tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại; xử lý dứt điểm việc hình thành, tồn tại chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn…

Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025, 100% các xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào Danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố; đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các chợ đang hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả, chống lãng phí theo đúng những tiêu chí quy định, phát huy đầy đủ công năng, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, văn minh thương mại; 100% chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa phải đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự.

Cụ thể, đối với hoạt động đầu tư xây chợ mới, xây dựng lại, Hà Nội dự kiến khởi công 34 chợ. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có 4 chợ; huyện Quốc Oai 8 chợ; huyện Thanh Trì 5 chợ; huyện Thường Tín 3 chợ; huyện Mê Linh, Gia Lâm 2 chợ; còn lại quận Đống Đa, Hà Đông, Tây Hồ và huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thạch Thất, Đông Anh, thị xã Sơn Tây đều có 1 chợ.

Ngoài ra, về đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, dự kiến khởi công 71 chợ trên địa bàn thành phố. Các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa, mỗi quận sẽ có 1 chợ; quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Long Biên, huyện Chương Mỹ, Thanh Trì, Sóc Sơn, Hoài Đức, Phú Xuyên, Ba Vì, thị xã Sơn Tây, mỗi quận/huyện/thị xã có 2 chợ; quận Tây Hồ và huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Mê Linh, Đông Anh, mỗi quận/huyện 3 chợ; huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai, mỗi huyện 4 chợ; huyện Ứng Hòa, Thường Tín, mỗi huyện 6 chợ; riêng huyện Phúc Thọ 8 chợ.

UBND TP Hà Nội giao Sở Công thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch. Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xây dựng, thẩm định và trình, duyệt theo thẩm quyền các nội dung về quản lý nhà nước về chợ. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn thành phố theo quy định pháp luật hiện hành.

Các chợ được cải tạo và xây mới sẽ đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự; 90% chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng; 100% chợ phê duyệt sửa đổi nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng...; 100% xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, chợ là để phục vụ nhu cầu dân sinh, trong khi đầu tư kinh doanh, khai thác chợ hiệu quả không cao nên khó thu hút được xã hội hóa. Với những chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý cũng không đủ khả năng duy trì, nâng cấp, cải tạo chợ. Trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư kinh doanh, khai thác chợ là rất cần thiết. Sở Công thương đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu tham mưu Chính phủ có các cơ chế hỗ trợ (về miễn, giảm tiền thuê đất, về ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ…) đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đảm bảo giảm chi phí đầu vào, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội.

Thực tế, còn tồn tại nhiều chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, nhưng trong quá trình hoạt động, khai thác chợ lại không đảm bảo theo phương án bố trí ngành hàng, nội quy được phê duyệt… Hiện nay, chưa có chế tài xử phạt vi phạm trong quá trình hoạt động của chợ.

Theo báo cáo tiến độ các dự án chợ đầu tư xây mới, cải tạo giai đoạn 2022 - 2025 gửi Sở Công thương Hà Nội, đã có 19 đơn vị đăng ký đầu tư xây dựng, cải tạo chợ năm 2023 với tổng số 48 dự án chợ xây mới, xây lại và 57 chợ cải tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn rất chậm do gặp nhiều vướng mắc. Chợ thì đang giải phóng mặt bằng, chợ thì đang chờ hướng dẫn về thủ tục giao đất cho thuê đất, chợ đang vướng mắc về xác định khoản chậm nộp ngân sách, chợ thì đang điều chỉnh chủ trương đầu tư...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội đầu tư xây mới và nâng cấp 105 chợ