Trần Hậu Yên Thế sinh năm 1970 tại Hà Nội, hiện đang công tác tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tác giả của những cuốn sách nghiên cứu giá trị như: “Dịch đồ - cách tiếp cận từ thị giác”, “Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh - Lê”, “Song xưa phố cũ”, “Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa”... Sở hữu giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội 2014” cho cuốn “Song xưa phố cũ”.
Là người Hà Nội, nên anh có sự gắn bó tự nhiên với Hà Nội, và vì sao anh lại có những nghiên cứu về mảnh đất này?
- Nếu không có đợt không kích miền Bắc của không lực Mỹ hồi cuối thập niên 1960 thì tôi đã được sinh ra ở Hà Nội rồi. Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu và thật ngạc nhiên về sự may mắn sót lại của rất nhiều ban công cửa sổ bằng sắt uốn rất đẹp ở phố Khâm Thiên sau mùa Đông năm 1972.
Thế nên, khi đứng nhìn kiến trúc xưa Hà Nội, từ khung cửa sắt, anh đã có thể viết lên cả cuốn “Song xưa phố cũ”?
- May mắn cho ai được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và còn may mắn hơn nếu được xa nó một thời gian để nỗi nhớ lên men, làm ta cồn cào và thao thức. Tôi vẫn nhớ một lần một cô giáo người Úc nói với tôi rằng Hà Nội rất đẹp, đẹp lắm. Do nghề nghiệp họa sĩ, tôi hay đi đây đi đó và đặc biệt có thời gian du học nên tôi thấy Hà Nội thật đặc biệt. Nó đẹp vì pha trộn, vẻ đẹp pha trộn phương Tây và phương Đông, tựa như một sáng nào đó ta ngang qua phố Triệu Việt Vương, hương vị café, những ngôi nhà hai tầng có những ban công sắt uốn…những biển hàng biển hiệu viết bằng ký tự Latin.
15 năm rất dài để viết lên một cuốn sách, anh đã trải qua những gì để tái tạo lại được hồn xưa phố cũ trong một tư liệu quý?
- Năm nay tôi lại vừa tái bản lần thứ 3 cuốn sách “Song xưa phố cũ”. Trong lần nói chuyện ở Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm) gần đây, khi được hỏi về quãng thời gian 15 năm để viết cuốn sách này, tôi trả lời đó là cuốn sách sẽ tiếp tục được chỉnh lý và bổ sung. Chẳng hạn trong lần xuất bản này, tôi thêm câu chuyện về cánh cửa ở phố Phùng Hưng, như là biên giới giữa phố Tây và phố Hàng (khu phố cổ của dân Kẻ Chợ, Thăng Long). Sau rất nhiều biến động của lịch sử, những ngôi nhà Tây đã dần biến dạng và biến mất, hiện còn vài ngôi nhà Tây còn sót lại. Ngôi nhà số 63 phố Phùng Hưng tương đối lớn, lại ở vị trí đẹp. Trán nhà còn đắp nổi chữ Hữu Lan, phỏng đoán gia chủ cũng là người nho nhã. Theo thông tin tìm hiểu ban đầu, chủ nhà họ Mạc, gia đình sau 1954 đi đâu không rõ. Căn nhà chia nhỏ cho nhiều hộ. Chủ hộ ở phần gian khách (lối cửa chính) cửa đi mở ra ngã ba Hàng Mã Phùng Hưng cho một hộ bán bún. Để tiện dụng kinh doanh, bộ cửa lim bị tháo ra, thay vào đó là đôi cánh cửa nhôm kính. Nhờ lân la trên phố Phùng Hưng trong dịp vẽ tranh tường ở đây, tôi kịp báo cho Bảo tàng Hà Nội. Rất may cán bộ Bảo tàng Hà Nội đã kịp thời mua về. Một phần của mặt tiền ngôi nhà này, đặc biệt là bộ cửa cũng đã lưu dấu trên bức tranh bích họa của tôi gần đó. Cánh cửa này là hiện vật trưng bày trong triển lãm Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật Ứng dụng ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX ở Bảo tàng Hà Nội đúng vào dịp 10/10 năm nay.
Những khó khăn thuận lợi của anh cho việc nghiên cứu về Hà Nội để bảo tồn những giá trị văn hóa xưa?
- Tôi thấy nghiên cứu về Hà Nội thuận lợi nhiều hơn khó khăn, có lẽ vì thế mà trong những năm gần đây tôi liên tục có sách viết về Hà Nội, như năm 2018 là cuốn “Nét Việt trên bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc tử giám” (Nxb Thế Giới), năm 2019 đồng tác giả với Nguyễn Đức Hòa (chủ biên), Nguyễn Đức Bình là cuốn Mỹ thuật Thăng Long (NXb Hà Nội).
Mỗi khi đứng trước nét văn hóa Hà Nội xưa còn lại, anh trải qua những cảm xúc, suy nghĩ gì?
- Hà Nội đẹp vì tấm lòng người Hà Nội. Tôi đã viết thêm trong lần tái bản này về căn biệt thự số 43 Trần Hưng Đạo, nay là Đại sứ quán Qatar, một trong những biệt thự đẹp của Hà Nội. Căn nhà này từng gắn bó với Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, một chính khách đặc biệt trong thế kỷ XX; từng làm quan thời Nguyễn, giữ chức Khâm sai Bắc Bộ của chính phủ Trần Trọng Kim, là Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1955 tới khi mất. Theo như lời kể của họa sĩ Phan Kế An, người con trai cả, thì sau khi cụ Toại mất năm 1973, cụ bà Nguyễn Thị Mão đã giao trả lại ngôi biệt thự này cho nhà nước. Cụ bà Nguyễn Thị Mão cũng là một nữ sĩ xuất sắc của Hà Nội thế kỷ trước. Tôi viết câu chuyện này vì cách đó không xa có một căn nhà của một vị quan chức ở nhà công vụ sau khi nghỉ hưu quyết không giả lại cho nhà nước để báo chí đưa tin trong nhiều số. Hà Nội đẹp, từng đẹp vì sự tử tế của người Hà Nội xưa.
Xin cảm ơn anh.!