Sáng 18/12, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Bản hùng ca bất diệt (12/1972 - 12/2017). Ý kiến của các nhà nghiên cứu, những nhân chứng lịch sử khẳng định lại một lần nữa: Bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã làm nên bản hùng ca bất diệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Các đại biểu gặp gỡ tại Hội thảo. Ảnh: Bá Hoạt.
Khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã ôn lại những ngày hào hùng của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội 45 năm trước: Vào những ngày tháng 12 năm 1972, cách đây 45 năm, với ý chí, niềm tin sắt đá, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, cùng với cả nước, quân và dân Thủ đô đã đoàn kết một lòng chiến đấu kiên cường, dũng cảm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang trên địa bàn đánh bại cuộc tập kích chiến lược không quân của đế quốc Mỹ.
Mốc son chói lọi
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, chiến thắng mang tên “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đánh dấu một mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký hiện định Paris ngày 27/1/1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trung tướng Lê Huy Vịnh- Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-không quân cho biết, trong lịch sử chiến tranh thế giới, hiếm có cuộc đối đầu nào như cuộc đối đầu giữa ta và Mỹ trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972. Một dân tộc nhỏ bé nhưng anh hùng đã chiến thắng một kẻ thù xâm lược có sức mạnh và tầm vóc quân sự, kinh tế mạnh hơn rất nhiều lần để giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta, là chiến công oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường bất khuất, bản lĩnh trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Với ý chí sắt đá, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta mà nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử “Siêu pháo đài bay B-52” thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất với 81 máy bay bị quân và dân ta bắn rơi, trong đó có 34 máy bay B-52.
Vì sao chúng ta chiến thắng?
Lý giải nguyên nhân làm nên chiến thắng, Trung tướng Nguyễn Văn Ninh- nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu (Tiểu đoàn 63, Trung đoàn 236) cho rằng: Đó là sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Theo đó, công tác chuẩn bị gồm 2 bước, đó là chuẩn bị trước và chuẩn bị trực tiếp. Để chuẩn bị trước, các chuyên gia Liên Xô đã giúp ta cải tiến bộ khí tài tên lửa đợt 3, giúp chống nhiễu, chống mất điều khiển và cải tiến nâng cao chất lượng; hiệu chỉnh tất cả máy đo của bộ khí tài, tên lửa.
Theo Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân, chiến thắng 12 ngày đêm đã bẻ gãy ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, ngoài chiến công bắn rơi máy bay địch, việc bảo vệ các mục tiêu là then chốt và hết sức quan trọng. Cụ thể, sau chiến tranh, chỉ có 2 vệt bom B-52 rơi vào nội thành (một vệt rơi vào Bệnh viện Bạch Mai và một vệt xuống phố Khâm Thiên), còn hàng trăm lần khác, các tốp máy bay không thể bay vào Hà Nội được, giúp thành phố và các cơ quan trung ương gần như còn nguyên vẹn, tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn
Tại sao chúng ta chiến thắng được? Dưới góc độ người chiến sĩ trực tiếp bay trong suốt 12 ngày đêm, Trung tướng Phạm Tuân phân tích, điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất là sự sáng suốt của Đảng, của Bộ chỉ huy tối cao khi đánh giá đúng tương quan giữa ta và địch; phán đoán trước địch sẽ dùng B-52 sẽ đánh vào Hà Nội nên có sự chuẩn bị lực lượng.
Ngoài ra, chúng ta đã xây dựng lực lượng, con người với bản lĩnh, ý chí và trí tuệ. Nhân tố cuối cùng là nhờ có sự hợp đồng tác chiến, thế trận chiến tranh nhân dân, sự phối hợp tác chiến quân binh chủng tạo đã nên sức mạnh tổng thể. “Trong khó khăn chúng ta đã nảy sinh ra sự sáng tạo và từ đó giành chiến thắng. Chiến thắng của dân tộc Việt Nam cũng là chiến thắng trí tuệ, bản lĩnh”- Trung tướng Phạm Tuân khẳng định.
“Tại sao người dân Hà Nội lúc đó lại bình tĩnh đến lạ lùng như vậy, chịu đựng hi sinh, không hề khiếp sợ trước hành động của kẻ thù. Đây là nhân tố làm nên chiến thắng. Nhiều con người Hà Nội yêu chuộng hoà bình, yêu văn chương nghệ thuật đã phải chịu những nỗi đau từ sự tàn bạo của chiến tranh” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, người chứng kiến từ trận đánh đầu tiên đến trận cuối cùng đau đáu kể lại kỷ niệm những ngày ông chứng kiến Hà Nội một thời hoa lửa cho biết.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, Hội thảo một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm về sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ Hà Nội; sự phối hợp giữa Hà Nội với các tỉnh, thành miền Bắc kiên quyết bảo vệ giữ vững bầu trời, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó góp phần giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.