Ngày 14/12, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022. “Đói vốn”, là vấn đề được nhiều doanh nghiệp phản ánh tới lãnh đạo thành phố.
Tại hội nghị, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) cho biết, hiện nay DN đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất. Một số chính sách hỗ trợ người lao động thì đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN. “Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất” -ông Quốc Anh dẫn chứng.
Cũng nói về việc DN “đói vốn”, Chủ tịch Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) Lê Vĩnh Sơn cho rằng, việc giải ngân còn chậm, khả năng tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn. Đặc biệt là từ Quý II/2022 trở lại đây, nhiều DN vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. “Vừa qua, chính sách về việc nới room tín dụng là một tín hiệu tốt song vẫn là chưa đủ với “cơn khát vốn” của DN. Ngay khi có những thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất, nhiều DN bày tỏ niềm vui, song lại không tránh khỏi lo lắng về điều kiện thủ tục của gói hỗ trợ này” -ông Sơn cho hay.
Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ DN xuất khẩu và hội nhập, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, nhằm hỗ trợ DN trên địa bàn tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), thành phố đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, DN. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường.
Về các vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, đối với các dự án đầu tư công, Sở sẽ tham mưu thành phố ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng và chọn nhà thầu có năng lực thi công dự án, định vị từng dự án và cố gắng không điều chỉnh tổng mức dự án.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng của tình hình thế giới, Hà Nội vẫn đạt 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, trong đó, có 5 chỉ tiêu đạt vượt so với kế hoạch đề ra. Thành công trên khía cạnh kinh tế và an sinh xã hội có đóng góp to lớn, quan trọng của cộng đồng DN Hà Nội và các tập đoàn, công ty lớn đóng trên địa bàn Thủ đô.
Nhấn mạnh những tháng cuối năm 2022 và hết quý I/2023 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn cho các DN; do đó đối với các kiến nghị, đề xuất của các DN, ông Thanh đề nghị, các sở, ngành tổng hợp, có văn bản trả lời sớm nhất đối với từng kiến nghị. “Phải coi việc của DN cũng như công việc của nhà mình. Chim sẻ gọi đại bàng mà đại bàng không trả lời thì chim sẻ sẽ mất phương hướng” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, dự kiến trong quý I/2023, Quốc hội sẽ họp để bàn về kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Do đó, các hiệp hội, DN, tập đoàn lớn có kiến nghị đề xuất cụ thể để thành phố phân loại nhóm chính sách. Trên cơ sở đó, tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến việc DN kiến nghị thành phố cần quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, ông Thanh cho biết, thành phố đang tăng cường phân cấp thủ tục hành chính cấp thành phố cho các cấp dưới để thủ tục gần dân nhất, gần DN nhất.
“Lãnh đạo thành phố luôn chia sẻ, luôn sát cánh, đồng hành cùng DN chứ không đứng ngoài cuộc. Trên cơ sở lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau, trong thẩm quyền có nội dung gì giải đáp được ngay thì chúng tôi sẽ chỉ đạo thực hiện. Với những nội dung vượt thẩm quyền, thành phố sẽ tổng hợp, có báo cáo lên Thủ tướng để Chính phủ có các giải pháp kịp thời, khả thi hơn”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.