Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa có thêm một bệnh nhân mắc uốn ván, nâng số mắc từ đầu năm 2023 đến nay là 25 trường hợp, trong đó 3 người đã tử vong.
Cụ thể, bệnh nhân nam, 66 tuổi, huyện Ba Vì. Trước đó, từ ngày 12/11, bệnh nhân bị vết thương ở ngón cái của chân phải và không tiêm phòng uốn ván. Đến ngày 14/11, bệnh nhân xuất hiện cứng hàm, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và được chẩn đoán mắc uốn ván. Hiện tại bệnh nhân đang được các bác sĩ của bệnh viện điều trị tích cực.
BS Nguyễn Quốc Phương - Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết: Uốn ván là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Trực khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột của súc vật, nhất là trong ruột các đại gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò... kể cả người. Tại đây vi khuẩn cư trú một cách bình thường không gây bệnh. Nha bào uốn ván có thể tìm thấy trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể gây nhiễm cho tất cả các loại vết thương. Thông thường nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi có vết thương trên cơ thể, cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm.
Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…
Việc tiêm phòng vaccine uốn ván được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn/người lớn tuổi. Liệu trình cơ bản gồm 3 - 4 mũi phụ thuộc vào khuyến cáo của từng quốc gia và sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.
Ở trẻ em, vaccine uốn ván được sử dụng dưới dạng vaccine phối hợp giúp phòng ngừa thêm các bệnh lý khác có trong vaccine nhằm giảm số mũi tiêm và giảm đau cho trẻ. Điều quan trọng là trẻ cần được tiêm đầy đủ liệu trình vaccine uốn ván đúng thời gian để duy trì tình trạng miễn dịch chống lại bệnh.
Tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ ở độ tuổi sinh nở là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con.
Người lớn chưa bao giờ tiêm vaccine uốn ván thì nên đến gặp bác sĩ để biết thêm thông tin. Người lớn bị các vết thương có nguy cơ cao bị uốn ván cũng nên được tiêm vaccine uốn ván mũi nhắc lại nếu như họ chưa được tiêm nhắc lại trong vòng 5 năm trước đó.