Mới đây, Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh sắp lên lớp 6 của Trường Marie Curie (Hà Nội) đã mạnh dạn viết email gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội để kêu gọi các trường ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng.
“Tôi nổi da gà khi đọc thư”
Trong bức thư, cô bé 11 tuổi viết: “Con được biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời… Nhưng khi thả bóng lên thì các chú chim hoặc động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác sẽ bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển”.
Cô bé đề xuất: “Con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?”
Lá thư làm ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie rất bất ngờ.
Ngay lập tức, ông cho kiểm tra và thấy Linh vốn là học sinh lớp 5M2 của trường trong năm học vừa qua. Năm nay, em chuyển lên lớp 6I2.
Nguyệt Linh, tác giả của bức thư mong không thả bóng bay trong lễ khai giảng.
Trong đêm 25/7, ông đã viết thư gửi lại cho cô học trò. Thư phúc đáp viết:
“Nguyệt Linh thân yêu,
Thầy vừa được đọc lá thư của con, thầy bất ngờ và xúc động vô cùng.
“Không thả bóng bay lên trời để bảo vệ môi trường” - Một ý tưởng đẹp, rất đẹp và ý nghĩa sâu sắc!
Việc thả bóng bay ở lễ khai giảng, nhiều sự kiện ở trường ta và các nơi khác, đã thành một thói quen “sang trọng”. Nhưng không mấy ai nghĩ đến những hệ luỵ mà cô học trò bé nhỏ của thầy đề cập trong thư. Đó là kết quả thật đáng tự hào của nhà trường, gia đình và xã hội trong sự giáo dục “thế hệ chúng con” - công dân thế kỷ 21!
Chắc chắn thầy và tất cả các thầy cô trường Marie Curie ủng hộ triệt để đề nghị của con. Lễ khai giảng sắp đến, sẽ không còn bóng bay thả lên trời, nhưng tất cả thầy trò trường ta sẽ vui hơn rất nhiều.
Thầy sẽ đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 là “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con. Thầy hy vọng việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của thầy trò chúng ta sẽ được nhiều nơi hưởng ứng.
Thầy hạnh phúc vì con”!
Nguyệt Linh tham gia rất nhiều hoạt động xã hội- nhất là các hoạt động liên quan đến môi trường.
Sẽ có “Lễ khai giảng Nguyệt Linh”
Chia sẻ với PV, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nhắc đi nhắc lại nhiều lần, rằng ông thực sự rất bất ngờ bởi một suy nghĩ nhỏ của con nhưng mang ý nghĩa giáo dục vô cùng to lớn.
“Tôi nổi da gà khi đọc thư của con. Tôi rất bất ngờ bởi một đứa trẻ vừa kết thúc bậc tiểu học lại nghĩ đến điều mà người lớn không nghĩ tới.
Lâu nay chúng ta luôn nhắc nhở không dùng túi nilon, không dùng ống nhựa, rằng phải bảo vệ môi trường…, nhưng không ai mảy may nghĩ đến chi tiết nhỏ mà cô học trò nhỏ đã nhắc đến.
Tôi không có lý do gì để từ chối lời đề nghị rất dễ thương và đầy ý nghĩa ấy”, thầy Khang nói.
Trao đổi với PV sáng nay (26/7), chị Nguyệt - giảng viên một trường đại học, mẹ của Nguyệt Linh cho hay, ban đầu khi con có ý tưởng, chị đưa ý tưởng viết thư tay. Tuy nhiên, như thế khá mất thời gian nên con đã tự tìm địa chỉ email và gửi thư đến 40 trường.
Trong số đó, có nhiều địa chỉ chưa chính xác nên thư không tới được. Khoảng 30 bức thư đã đến được địa chỉ của các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội và đã có 3 trường phúc đáp thư của Linh.
Một thông điệp khác mà Linh muốn lan tỏa trong cộng đồng: "Hãy cứu biển".
“Khi nhận được thư phản hồi, con đã nhảy lên vui sướng. Trong số đó, Trường Marie Curie, Trường Việt Úc cho biết sẽ hoàn toàn không thả bóng bay. Trường Pascal phản hồi và cho hay, sẽ hạn chế bóng bay trong lễ khai giảng", chị Nguyệt kể.
Chia sẻ về ý tưởng gửi thư của con gái, chị Nguyệt cho hay, ngay từ nhỏ vợ chồng anh chị đã thường xuyên dẫn con “ra ngoài nhiều hơn ở nhà” và tích cực cho con tham gia vào các hoạt động xã hội. Nhờ vậy, Linh thường xuyên được tham gia các sự kiện ngoài trời.
Cách đây 1 năm, Linh theo dõi và biết đến những thông tin về hành trình xuyên Việt của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng - người đi gần 7.000 km bờ biển Việt Nam để chụp rác. Thích thú với vấn đề môi trường, Linh quyết tâm tìm hiểu thêm.
Cô bé tự làm clip, viết kịch bản rồi dựng thành phim để tuyên truyền và kêu gọi mọi người giảm thiểu việc sử dụng nhựa dùng một lần.
Con đã tự tìm email các trường để gửi thư. Con rất hạnh phúc và thoải mái khi làm việc này mà không cảm thấy áp lực hay lo ngại gì.
Chia sẻ thêm với PV, thầy Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho rằng, để động viên cô học trò nhỏ và hưởng ứng ý cũng như mong muốn la toả tưởng có ý nghĩa to lớn này, nhà trường không những không thả bóng bay mà nhất định sẽ có cái tên dễ thương “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” trong ngày khai trường.