Sáng 7/10, Dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội chính thức được khởi công. Theo đó, dự án nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên tăng cường hiệu quả cho tuyến Đường sắt đô thị số 3 khi đưa vào khai thác sử dụng.
Dự án gồm 3 hợp phần
Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, quy mô Dự án gồm 3 hợp phần.
Cụ thể, hợp phần 1 là cải tạo tiếp cận nhà ga. Trong đó bao gồm bán kính 100 - 500 m của các nhà ga dọc theo tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); xây dựng các điểm trung chuyển tại Ga số 8 (Cầu Giấy) và Ga số 9 (Ngọc Khánh).
Đồng thời, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các nhà ga của tuyến Đường sắt đô thị số 3 như: cải tạo vỉa hè, lòng đường, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông, các bãi đỗ phương tiện giao thông cá nhân cho hành khách sử dụng đường sắt đô thị. Ngoài ra, ở hợp phần này còn bao gồm các công trình dịch vụ và tiện ích phục vụ nhu cầu của hành khách sử dụng đường sắt đô thị và các công trình phụ trợ khác.
“Xây dựng mở rộng Cầu Giấy cho người đi bộ; di chuyển, bảo vệ các công trình tiện ích (điện, nước, thông tin, chiếu sáng, camera...) phục vụ mở rộng Cầu Giấy. Cải tạo, chỉnh trang, thảm lại mặt đường bằng bê tông nhựa, sơn kẻ, tổ chức giao thông khu vực các Nhà ga số 8,9,10,11,12; cào bóc, xử lý móng, mặt đường tại các vị trí hư hỏng; sơn kẻ, tổ chức giao thông đoạn từ Ga 6 đến Ga 8 (đoạn Xuân Thủy-Cầu Giấy);
Cải tạo đồng bộ hè, đường, tổ chức giao thông đoạn từ Nhổn - Xuân Thủy (từ Ga số 1 đến Ga số 6), với quy mô chủ yếu là cào bóc mặt đường, xử lý các vị trí hư hỏng, thảm lại toàn bộ mặt đường; sơn kẻ, tổ chức giao thông; lát và hoàn thiện vỉa hè, bó vỉa, đan rãnh...”- ông Cường cho hay.
Hợp phần 2 của Dự án sẽ chú trọng đến các giải pháp giao thông công cộng. Trong đó, thí điểm sử dụng loại xe buýt có lượng phát thải thấp và công nghệ mới (xe điện). Sử dụng Hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên xe buýt và Hệ thống thông tin kiểm soát vận hành; Cải thiện trạm dừng xe buýt giữa các Ga Metro; Đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ bảo dưỡng, hạ tầng dịch vụ, hệ thống trạm sạc (Depot) tại khu vực Trạm trung chuyển đa phương thức, điểm đỗ xe công cộng và điểm đầu cuối xe buýt tại phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm).
Hợp phần 3 sẽ chú trọng nghiên cứu các chính sách và quy định khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, hạn chế phát thải.
Tổng mức đầu tư gần 55 triệu USĐ
Theo đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư công trình giao thông thành phố Hà Nội, địa điểm Dự án sẽ thuộc 6 quận là: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2025 với tổng mức đầu tư: 54,75 triệu USD.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, Dự án nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
“Đây cũng là một trong những định hướng lớn, trọng tâm được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố; trong đó, việc phát triển phương thức giao thông vận tải khối lượng lớn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông khung của Thành phố theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố” - vị Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, thành phố bằng nhiều giải pháp linh hoạt đã huy động các nguồn lực phục vụ, triển khai đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô trong giai đoạn 2021 – 2030 có hiệu quả.
Trong đó, Dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho Dự án tuyến Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội là Dự án thuộc Chương trình số 03-CT/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy, được đầu tư bằng nguồn vốn thành phố và nguồn vốn ODA của Quỹ CTF (Quỹ Môi trường) do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) quản lý, nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả cho tuyến Đường sắt Đô thị số 3 khi đưa vào khai thác sử dụng.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận các ga, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức, thân thiện môi trường, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; khuyến khích hành khách chuyển từ sử dụng các phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hướng tới tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại. Do vậy, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án là hết sức cần thiết.
Để việc đầu tư xây dựng Dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện.
“Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố: Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành thành phố, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện quản lý dự án đúng các quy định của Nhà nước và Nhà tài trợ.
Đồng thời, tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thi công công trình theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; kịp thời giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong thi công dự án; đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến đời sống của người dân trong khu vực, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng đảm bảo phát huy hiệu quả Dự án”- ông Dương Đức Tuấn chỉ đạo.