Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã ghi nhận hơn 3.000 ca mắc Covid-19 chỉ riêng đợt dịch thứ 4. Trong đó, một nửa số ca mắc Covid-19 ghi nhận ngoài cộng đồng.
Đáng chú ý, Hà Nội xuất hiện một số “ổ dịch” phức tạp tại phường Văn Chương, phường Văn Miếu (quận Đống Đa); phường Hoàng Liệt, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai); phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân)… Những nơi này đều đã được thiết lập khu vực cách ly y tế, thực hiện kiểm soát 24/7 để “khóa chặt” chùm ca bệnh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Ngày 29/8, khu vực phố Sơn Tây (phường Kim Mã, quận Ba Đình) tiếp tục phát hiện các ca dương tính sau 2 ca bệnh chỉ điểm là hai mẹ con thường xuyên đi chợ Ngọc Hà. Hiện tại, một đoạn phố Sơn Tây cũng đã được thiết lập khu vực cách ly y tế.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Vượng, Chủ tịch UBND phường Kim Mã (quận Ba Đình) cho biết, những ca dương tính mới đều nằm trong khu vực phố Sơn Tây đã được phong toả. Hiện, phường đã thực hiện công tác truy vết để khoanh vùng chùm ca bệnh. Đồng thời, việc cung cấp đồ nhu yếu phẩm cho người dân đã được lên kế hoạch, đảm bảo tốt đời sống cho người dân trong khu vực cách ly.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, quận Hoàng Mai đã chủ động xây dựng phương án đáp ứng các biện pháp hành chính với các mức độ nguy cơ trong phòng, chống dịch Covid-19, theo 4 mức từ nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và mức bình thường mới. Đối với tình hình phức tạp như địa bàn phường Giáp Bát, UBND quận Hoàng Mai đã triển mức độ 4, tương đương mức nguy cơ rất cao.
“Cụ thể áp dụng các biện pháp cách ly y tế (phong tỏa) vùng có dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/7/2021 đối với những vùng dịch diễn biến phức tạp, các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát và dịch có nguy cơ lây lan rộng. Khẩn trương áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung (khu vực phong tỏa) tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là người có tiếp xúc gần phải cách ly tập trung (F1) lưu trú (ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân); đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như đối với khu cách ly y tế tập trung. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các hoạt động giãn cách xã hội tại khu vực phong tỏa. Rà soát và trưng dụng các khu nhà ở, cơ sở giáo dục, công trình xây dựng… đủ điều kiện để làm cơ sở cách ly y tế tập trung cho các trường hợp F1, cơ sở thu dung người nhiễm Covid -19 trên địa bàn” - ông Tâm thông tin.
Theo ông Tâm, quận Hoàng Mai là quận có đông dân cư, tính cả thường trú và tạm trú xấp xỉ 700 ngàn người, 287 chung cư, hiện đang trong giai đoạn đô thị hóa, nhiều người trọ, nhiều loại hình dịch vụ, nhiều đầu mối giao thông… Chính vì vậy công tác phòng, chống dịch và khoanh vùng, truy vết F0 còn nhiều thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận Hoàng Mai vẫn trong tầm kiểm soát, mặc dù một số khu vực nguy cơ đang ở mức cao và khó lường. Nhận định trong thời gian tới có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn, xuất hiện thêm nhiều ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Đối với các chùm ca bệnh phát sinh trên địa bàn, UBND quận Hoàng Mai áp dụng các biện pháp cách ly y tế (phong tỏa) theo quy định của Bộ Y tế. Thực hiện truy vết nhanh, thần tốc các trường hợp liên quan. Tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, tùng giờ, bằng mọi biện pháp nhanh chóng xét nghiệm cho các trường hợp liên quan và các hộ dân tại các khu vực phong tỏa. Đánh giá mức độ nguy cơ tại khu vực phong tỏa để có các biện pháp xử lý kịp thời để phòng tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ông Tâm cho hay, đối với các trường hợp khai báo gian dối, không trung thực giao các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, UBND quận đã ban hành công văn tăng cường quản lý các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. Trong đó yêu cầu UBND 14 phường phối hợp cùng các bến xe, điểm tập kết hàng hóa trên địa bàn thực hiện rà soát, lập danh sách cụ thể, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch Covid-19 các đơn vị vận chuyển, tập kết hàng hóa thiết yếu. Yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện nghiêm túc đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế.