Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trận mưa lớn kéo dài từ đêm 11 đến gần trưa ngày 12/8 đã khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập sâu trong nước, nhiều tuyến ùn tắc nghiêm trọng. Câu chuyện “Hà Nội hễ mưa là ngập” lặp lại trong sự lo âu của người dân.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lượng mưa tích lũy từ sáng 11 đến sáng 12/8 ở Hà Nội phổ biến từ 150-200mm, nhiều nơi trên 200mm, cá biệt tại Thường Tín tổng lượng mưa tích lũy trong 24 giờ lên tới hơn 500mm.
Trong sáng 12/8, nhiều tuyến đường ùn tắc nghiêm trọng do ngập trong nước, hàng chục điểm ngập xuất hiện tại phố các tuyến phố Bùi Xương Trạch, Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chính, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Trần Bình (đoạn cổng UBND phường Mai Dịch), Thụy Khuê (dốc La Pho)... Tại ngã tư Cổ Linh đoạn gần Trung tâm thương mại Aeon maill (Long Biên) có đoạn ngập dài khoảng 50 mét, nước tràn cả lên vỉa hè, phương tiện đi lại khó khăn, nhất là đối với xe máy.
Trận mưa ngập này có thể nói là không còn xa lạ gì với người Hà Nội, tuy rằng ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, làm việc, kinh doanh buôn bán. Kể cả nhiều nơi các em nhỏ cũng phải lội nước đến trường. Dư luận kêu ca, bức xúc mãi cũng thành quen. Giới chuyên gia thường xuyên mổ xẻ về nguyên nhân Hà Nội ngập sau những cơn mưa. Cơ quan chức năng lý giải. Nhưng đâu vẫn hoàn đó.
Nhiều người cho rằng Hà Nội hễ mưa là ngập, phố biến thành sông là do cơ sở hạ tầng yếu kém; quy hoạch kém, và nạn “bê-tông hóa thủ đô” khiến nước không thoát được. Bên cạnh đó là ao hồ bị lấp gần hết, những dòng sông vốn làm chức năng tiêu thoát nước thì đầy bùn, đầy rác; hệ thống thoát nước của Hà Nội... có vấn đề. Nhiều ý kiến còn cho rằng đó là lỗi là của chính quyền, nhà quản lý đã không có những giải pháp tích cực chủ động xử lý vấn đề.
Được biết, theo Quy hoạch Thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTG ngày 10/5/2013, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội được chia thành 4 lưu vực Tô Lịch, Tả sông Nhuệ, Hữu sông Nhuệ, Long Biên. Nhưng các khu vực (như Tả - Hữu sông Nhuệ, Long Biên, các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch. Trên địa bàn Hà Nội có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành thì chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía nam sông Hồng - lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến năm 2022, Hà Nội đã giải quyết 5/16 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính, 11 điểm còn lại thành phố đã có giải pháp thực hiện dần theo các dự án đã và đang xin chủ trương triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đó là thông tin từ phía cơ quan quản lý nhà nước, còn thì trên thực tế Hà Nội có rất nhiều tuyến đường ngập úng khi mưa to.
Cách đây chưa lâu, khi mùa mưa bão đang đến, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch đảm bảo thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2022; giao Sở Xây dựng duy trì, khai thác tối đa hệ thống thoát nước hiện trạng như các hồ điều hòa, hệ thống kênh, mương, sông, cống… và các trạm bơm thoát nước; lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin; tổ chức ứng trực 24/24h, sử dụng thiết bị bơm hút di động để giảm thiểu úng ngập cục bộ; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành các trạm bơm tiêu nông nghiệp phục vụ thoát nước đô thị như Yên Nghĩa, Khê Tang, Ngoại Độ, Vân Đình… đảm bảo thoát nước cho sông Nhuệ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai đưa vào phục vụ thoát nước đô thị.
Kế hoạch đầu tư công của Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh cần tập trung nguồn lực triển khai sớm các dự án công trình tiêu thoát nước. UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt nhiều dự án đầu tư công với tổng nguồn vốn khoảng trên 10.000 tỷ đồng và đang chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tuy nhiên, đó cũng vẫn là chuyện còn xa. Còn hiện tại, theo một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thì chỉ với những trận mưa có cường độ từ 50 - 100mm/2 giờ, Hà Nội sẽ có các điểm ngập úng ở các mức độ khác nhau. Nếu như vậy thì trước mắt Hà Nội cũng khó mà thoát khỏi ngập úng khi mưa to, dự báo của cơ quan chức năng cho biết do biến đổi khí hậu nên thời tiết sẽ trở nên cực đoan hơn, khó lường hơn. Rõ rệt là với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... vừa qua đã có những đợt mưa kỷ lục thế kỷ, được xác định là thảm họa thiên nhiên.
Trong nhiều ý kiến chuyên gia về giải pháp thoát nước cho Hà Nội, ý kiến của PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) là rất đáng chú ý. Ông Chủng cho rằng việc thoát nước sau mưa phải tôn trọng nguyên tắc “3T” theo kinh nghiệm dân gian của các cụ ngày xưa. Trong đó, “T” thứ nhất là “trang” - nghĩa là mưa xuống phải trang rộng ra. “T” thứ hai là “thu” - tức là phải thu lại cho dễ rút. “T” thứ ba là “tiêu” - tức là phải có hệ thống kênh mương để nước tiêu đi. Từ đó cho thấy, công tác thoát nước ở Hà Nội hiện chưa đảm bảo các nguyên tắc trên.
Hằng năm, từ tháng 7 đến tháng 10 Hà Nội mưa nhiều. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng để chống ngập, về tổng thể, Hà Nội cần rà soát lại quy hoạch chung đô thị (Quyết định số1259/QĐ-TTg), để quy hoạch thoát nước với góc nhìn và tư duy “thuận thiên” hơn, cần quan tâm tới việc quy hoạch trả lại các khoảng trống, các không gian lớn như lưu vực sông, hồ, vùng đất trũng, thấp... là nơi chứa, tích nước, thoát nước có tính tống thể, lâu dài, bền vững. Coi đây là các khu vực hạn chế phát triển đô thị, xây dựng. Đổi lại, đây sẽ trở thành các khu vực sinh thái, cảnh quan… tạo dựng thêm lá phổi xanh cho đô thị Hà Nội. Loại bỏ giải pháp san lấp ao, hồ, cống hóa để phát triển, mở đường đô thị. Dừng phát triển các khu đô thị mới một cách tràn lan khi hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp hoặc không có khả năng đáp ứng...