Theo nhiều chuyên gia để giảm khí thải ở Hà Nội việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông rất quan trọng. Tuy nhiên, để xanh hóa các phương tiện giao thông là câu chuyện rất khó vì kinh phí lớn.
Một năm xe ô tô con có thể thải ra môi trường 3 tấn CO2
Sáng ngày 15/8, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) tổ chức Tọa đàm: Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho hay, trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
"Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5", ông Lợi cho hay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho rằng, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm ngay là giảm phương tiện tham gia giao thông tại nội đô. Song, đây vẫn đang là bài toán khó, khi lượng phương tiện cơ giới hoạt động trên địa bàn thành phố quá lớn với gần 7 triệu mô tô xe máy, 1,1 triệu ô tô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác hằng ngày đổ về Hà Nội.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, để tiến đến đưa phát thải về 0, chúng ta có Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải thể hiện quyết tâm của Chính phủ đối với mục tiêu này.
"Để thực hiện được mục tiêu đó, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông rất quan trọng. Ngoài xe máy, ô tô thì tôi thấy một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là xe tải. Cần phải chuyển đổi hết các phương tiện thành phương tiện xanh", ông Tùng cho hay.
Tương tự, TS Nguyễn Đình Thạo, giảng viên Khoa Công trình, Trường Đại học giao thông Vận tải cho hay, hiện nay hoạt động vận tải chủ yếu sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhiên liệu hóa thạch. Loại nguyên liệu này sẽ phát ra khí thải nhà kính.
"Theo nghiên cứu, người ta tính toán được mỗi một xe ô tô con thông thường, cứ chạy 1km sẽ phát thải 250-252g khí thải CO2 ra môi trường. Còn nếu tính trong một năm thì lượng CO2 mà một xe ô tô này thải ra môi trường là 3 tấn", ông Thạo nhấn mạnh.
Chuyển đổi sang phương tiện xanh là xu thế tất yếu
Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông công cộng cho biết, theo thống kê, thời gian qua 10 tuyến buýt xanh đã giảm phát thải 36,5 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,68 triệu cây xanh. Khi đề án 879 triển khai và đi vào thực tiễn dự kiến một năm có thể giảm 120 nghìn tấn CO2, đây sẽ là là con số rất ấn tượng.
"Chúng ta đã có xe buýt xanh, tuyến đường sắt đô thị xanh và trợ giá để người dân chuyển đổi xanh. Điều này cho thấy, Nhà nước, TP và cả các doanh nghiệp cũng rất tích cực tham gia vào khâu chuyển đổi xanh của Thủ đô", ông Phương cho hay.
Theo ông Phương, Hà Nội hiện là đơn vị hiếm hoi trên cả nước không có phương tiện sử dụng trên 10 năm, trung bình là 3,5 năm, thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ đề án 879 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi xanh, song song với đó là xử lý phát thải, ô nhiễm, thái độ để chuyển đổi xanh hoàn toàn.
"Ngoài tàu điện, mấy năm gần gây xuất hiện xe buýt điện, đó là phương tiện rất đẹp, văn minh và hiện đại, trái ngược với xe buýt chạy bằng dầu, xăng. Đó là những thay đổi có thể dễ dàng nhận ra. Những sự thay đổi này dần dẫn sẽ làm thay đổi nhận thức của chúng ta, rồi dẫn tới hành động. Tôi cho rằng đây là xu thế không thể khác, nhưng cần làm càng nhanh càng tốt. Nếu đến năm 2030 Hà Nội có được 100% xe buýt điện thì tuyệt vời. Liệu Hà Nội có làm được không? Tôi nghĩ là làm được. Làm sao để mọi người đi xe buýt điện nhiều hơn, đi tàu điện nhiều hơn thì sẽ khác", TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam phân tích.