Hà Nội lập gần 600 đội bắt chó thả rông: Bài 1 - Người dân phản ứng ra sao?

Lê Khánh - Hoàng Chiến 14/04/2022 15:19

Thời gian qua, hàng loạt chó thả rông, không rọ mõm trên đường phố, công viên, sân chơi tập thể chung cư tại các quận nội thành ở Hà Nội gây nguy hiểm cho những người xung quanh, coi thường sức khỏe và tính mạng của người khác cần phải xử lý triệt để.

Đáng lẽ phải làm sớm hơn

Thời gian qua, nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do bị chó thả rông cắn, không ít trường hợp nạn nhân bị cướp đi tính mạng. Vì vậy, TP Hà Nội lập gần 600 đội bắt chó thả rông, trong đó yêu cầu chủ nuôi chó, mèo, phải thực hiện đăng ký, khai báo việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh… Kế hoạch này được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày vừa qua.

Đội bắt chó thả rông tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân).

Anh Lê Huy Hoàng (trú tại Đống Đa) cho biết: “Tại ngõ nhà tôi gần như 50% người dân nuôi chó thả rông đi đại tiện, tiểu tiện ngang nhiên, ô nhiễm vô cùng. Không những thế, nhiều em nhỏ chơi đùa tại ngõ cũng đã bị chó cắn nhưng cũng may chưa có trường hợp thương tâm nào. Chúng tôi cũng mong rằng cơ quan chức năng xử lý triệt để, phòng trừ hậu họa về sau”.

Cũng theo anh Hoàng, khi bị nhắc nhở, nhiều người vẫn còn biện minh cho hành vi thả rông chó ra đường như "nuôi chó cũng có lúc phải thả ra cho chúng đi vệ sinh", “chó hiền không cắn ai bao giờ”,…

“Một người nuôi chó có trách nhiệm sẽ không thả thả rông chúng ra đường, để chúng phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh công cộng, ảnh hưởng đến người khác”, anh Hoàng khẳng định.

Sở hữu 3 chú chó gốc ngoại, chị Trần Thuỷ Tiên (trú tại Khương Đình, Thanh Xuân) ủng hộ: “Việc kiểm tra, xử lý chó thả rông là cần thiết, nhất là khi thời gian gần đây có nhiều vụ việc chó cắn người đã được ghi nhận. Tôi cũng có nuôi 3 con chó Pitbull và thường xuyên rọ mõm mỗi khi cho chúng ra đường để không cắn người và những con chó khác”.

Đồng quan điểm trên, anh Phạm Văn Công (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Một chủ trương đúng đắn đáng lẽ ra phải làm lâu rồi, nhiều người thả chó ra đường mà không rọ mõm, chúng cứ gặp người lạ là đuổi cắn. Đây là hành vi rất vô trách nhiệm của chủ nuôi khi coi thường sức khỏe, tính mạng người khác. Đặc biệt, chó thả rông trên đường cũng gây nguy hiểm cho người điều khiến phương tiện giao thông khi di chuyển nhanh mà vô tình đâm phải”.

Tuy nhiên, anh Công cũng không khỏi băn khoăn và hoài nghi vì không biết mô hình này khi triển khai có xử lý tận gốc được vấn đề bức xức này hay không. “600 tổ công tác nghe thì nhiều nhưng xử lý trong khu vực nội thành lớn như vậy cũng là một áp lực. Chưa kể không phải lúc nào đội cũng có thể tuần tra, xử lý nên hiệu quả chưa chắc đã được như mong đợi”, anh Công cho hay.

Băn khoăn hiệu quả

Theo kế hoạch, thành phố đặt ra một số yêu cầu cụ thể về quản lý chó, mèo nuôi. Cụ thể, đối với chủ nuôi chó, mèo, phải thực hiện đăng ký, khai báo việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh…

Ngoài ra, phải bố trí khu vực nhốt giữ và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vaccine dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận…

Chưa đủ sức thuyết phục với cách làm này của TP Hà Nội, chị Trần Phương Hoa (quận Hà Đông) trao đổi: “Việc mua bán chó mà phải báo cáo với chính quyền địa phương thì hơi rườm rà và mất thời gian”.

Ngoài ra, chị Hoa cũng khẳng định, việc tổ chức các buổi tuần tra, xử lý đột xuất chỉ có ý nghĩa trong thời gian đầu. Nếu không xử lý triệt để và tăng cường nhận thức cho người dân thì dễ sẽ lại “chìm”, rồi đâu lại vào đấy.

Không những vậy, nhiều người nuôi các giống chó đắt tiền cũng không khỏi lo lắng trước quy định khi bắt chó nếu chưa có chủ nhận, không được tiêu hủy ngay mà phải nuôi nhốt trong vòng 48 giờ. Sau thời gian này có thể gửi vào nơi nuôi nhốt tạm thời. Tuy nhiên, trong thời gian này chó được cho ăn uống ra sao và chăm sóc thế nào thì chưa rõ. Trong khi, đối với những giống chó ngoại đắt tiền và khó nuôi thì nguy cơ chết là rất cao.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, đến nay tổng đàn chó mèo trên địa bàn TP là 460.000 con (đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Nghệ An). Tính từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng chó, mèo nuôi bình quân tăng khoảng trên 6.000 con/năm (tổng đàn năm 2017 là 423 ngàn con, năm 2021 là 460 ngàn con). Riêng số lượng chó, mèo nuôi tại các quận nội thành có tốc độ tăng nhanh, khoảng trên 2 ngàn con/năm.

Theo ông Sơn, đội bắt chó thả rông là một trong các yếu tố để đảm bảo vùng an toàn bệnh dại. Mục tiêu của đội là tuyên truyền đến chủ nuôi chó, mèo các quy định của pháp luật; phát hiện, xử phạt chủ nuôi không xích, rọ mõm chó ở nơi công cộng, ngăn chó dữ tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng…

Lực lượng tham gia đội bắt chó thả rông, phổ biến gồm 6 - 8 người là bảo vệ tổ dân phố, dân quân, công an viên, y tế, nhân viên thú ý, cán bộ chuyên trách bắt chó. Các đội sẽ hoạt động khoảng 1 - 2 lần một tuần, không cố định ngày để tăng tính đột xuất nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm của chủ vật nuôi như: Không rọ mõm, không xích khi đưa chó ra nơi công cộng; để chó vệ sinh bừa bãi, cắn người. Sau 48 giờ từ lúc có thông báo về động vật thả rông bị bắt, nếu không có chủ nuôi đến nhận, UBND cấp xã quyết định biện pháp xử lý.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội lập gần 600 đội bắt chó thả rông: Bài 1 - Người dân phản ứng ra sao?