Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 10/5, ông Đỗ Đức Thịnh- Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, đã xác định 4 trọng điểm, 8 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm TP.
Hà Nội vẫn còn 16 điểm ngập cục bộ.
Theo ông Thịnh, trước những biến đổi khí hậu toàn cầu, các loại hình thiên tai xảy ra ngày càng nhiều theo hướng cực đoan trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Để phòng, chống lụt bão và úng ngập Chi cục đã xác định 4 trọng điểm, 8 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm TP.
Ông Hà Đức Trung- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội thông tin thêm, 4 trọng điểm, 8 điểm xung yếu này, nếu mưa lớn có thể vỡ đê, dẫn đến cả nội thành chìm trong biển nước. Cho nên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai TP cũng đã yêu cầu các địa phương có đê kiểm tra tình hình vi phạm và công tác xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đề điều trên địa bàn. Cùng với đó, chuẩn bị nhân lực, vật lực, phương tiện cho các phương án theo phương án “4 tại chỗ”. Các sở, ngành TP cũng phải tập trung chỉ đao, tổ chức chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm, kịp thời triển khai phương án khi lụt bão, thiên tai xảy ra.
Ông Võ Tiến Hùng- Tổng giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội cho biết, hiện nội thành còn 16 điểm ngập cục bộ gồm: quận Hoàn Kiếm 3 điểm (ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, cửa ga Hà Nội); Quận Ba Đình có 3 điểm (phố Cao Bá Quát và 2 điểm trên phố Đội Cấn); quận Đống Đa 2 điểm tại phố Nguyễn Khuyến và đường Trường Chinh); Quận Hoàng Mai 3 điểm (bến xe Giáp Bát, phố Nguyễn Chính gần khu cóng hoá mương Tân Mai, dốc thương binh phố Thanh Đàm); Quận Tây Hồ 1 điểm (tại ngã ba Ba La - phố Thuỵ Khuê); Quận Cầu Giấy có 3 điểm (phố Trần Bình đoạn Bệnh viện 19/8, phố Hoa Bằng, phố Phan Văn Trường); Quận Bắc Từ Liêm 1 điểm (khu ngã tư Xuân Đỉnh-Tân Xuân). Hiện các cơ quan chức năng đã lên phương án chống ngập đối phó với những trận mưa lớn xảy ra.