Ngày 17/9, UBND TP Hà Nội có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thông qua Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội (Trung tâm) nhằm tạo bước đột phá trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Theo đó, người dân và doanh nghiệp (DN) sẽ được phục vụ giải quyết TTHC 24/7.
Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng
Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 677 bộ phận một cửa. Với mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình bộ phận một cửa “truyền thống” như: Thiếu tính độc lập; chưa có cơ quan chuyên trách cấp thành phố với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết TTHC công khai, minh bạch; tháo gỡ các điểm "nghẽn" trong giải quyết TTHC; tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính…
Khi Trung tâm vận hành, người dân và DN chỉ cần thực hiện TTHC tại một địa điểm duy nhất, giảm chi phí và thời gian di chuyển; tiếp cận với các dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong không quá 5km; giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN trung bình tối đa 15 phút/lượt giao dịch. Thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/hồ sơ; được tiếp nhận và giải quyết 24/7; giúp người dân và DN dễ dàng tiếp cận dịch vụ công nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...; DN được cung cấp thông tin và tư vấn hữu ích về chính sách, hưởng thụ môi trường hành chính minh bạch, nhanh chóng hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng sức hút và khuyến khích DN mở rộng quy mô đầu tư tại Hà Nội
Theo UBND TP Hà Nội, việc thành lập Trung tâm sẽ đẩy mạnh số hóa các quy trình hành chính của thành phố; đẩy mạnh chuyển đổi số; giảm số lượng từ 677 bộ phận Một cửa xuống còn 30 chi nhánh; giảm số lượng công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa từ 2.768 người xuống còn 184 người, giúp tiết kiệm hơn 13,3 tỷ đồng/tháng ngân sách nhà nước trong trả lương, phúc lợi và các chi phí liên quan. Như vậy, về lâu dài Trung tâm hoạt động sẽ giúp ngân sách thành phố tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng/năm. Việc cung cấp các dịch vụ công nhanh chóng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ở thành phố, làm tăng niềm tin của người dân và DN vào chính quyền, thúc đẩy cá nhân, tổ chức tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế-xã hội, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao cuộc sống của người dân Thủ đô…
Dự kiến Trung tâm sẽ vận hành giai đoạn 1 từ ngày 1/10/2024, trụ sở chính đặt tại số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Lộ trình hoạt động trung tâm gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 1/10/2024 đến 31/3/2025. Giai đoạn 2 từ 1/4/2025 đến 30/9/2025. Giai đoạn 3 từ 1/10/2025.
Cần cơ chế hoạt động chính thức
Trước đó, TP Hà Nội đã thí điểm vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tại UBND quận Hoàn Kiếm. Ông Trịnh Tất Thắng, Phó Chánh văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã vận hành thí điểm 3 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp phường. Trung tâm số 1 tại phường Trần Hưng Đạo, Trung tâm số 2 tại phường Hàng Mã và Trung tâm số 3 tại phường Chương Dương. Tính đến ngày 30/5/2024, các Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết hơn 6.000 hồ sơ.
Theo ông Thắng, việc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của các phường được thực hiện tại 1 điểm giúp giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết hồ sơ; đẩy mạnh việc trả kết quả điện tử cho công dân; tạo lập mô hình và môi trường làm việc thống nhất, hiện đại, văn minh, chuyên nghiệp; tích hợp các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồng bộ về ứng dụng công nghệ thông tin… Với những kết quả đó, theo ông Thắng, mô hình này rất cần được nhân rộng, việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố là cần thiết.
Bà Hoàng Thị Huyền Trang-Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo cho biết, để đáp ứng nhiệm vụ của Trung tâm số 1, phường Trần Hưng Đạo đã điều động công chức từ các bộ phận khác sang đảm nhiệm; thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ, tập huấn chuyên môn về công nghệ thông tin để hướng dẫn công dân kê khai, số hóa hồ sơ khi đến làm việc tại Trung tâm; đầu tư trang thiết bị hiện đại để công dân dễ dàng truy cập; tăng cường kiểm soát quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Phường cũng kịp thời xử lý các kiến nghị, phản ánh về quy định và hành vi hành chính của cá nhân, tổ chức để thay đổi thái độ, hành vi của cán bộ, công chức thực thi công vụ nhằm hướng tới nền phục vụ hành chính văn minh, chuyên nghiệp…
Đến làm TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Trần Hưng Đạo, anh Huy (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) cho biết, anh đã được cán bộ của phường hướng dẫn kê khai hồ sơ qua mạng, thủ tục nhanh, thuận lợi.
Trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm tại cấp phường vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Theo ông Trịnh Tất Thắng, vì mô hình đang hoạt động thí điểm nên hiện tại Trung tâm chưa có quy định cụ thể về chức năng, thẩm quyền, cơ chế hoạt động chính thức về quy định về con dấu, lưu trữ hồ sơ, tài khoản của trung tâm, nhân sự; hệ thống phần mềm chưa được tích hợp đồng nhất với nhau nên các văn bản điện tử được ban hành còn tương đối phức tạp; số hóa thông tin và số hóa tài liệu còn hạn chế…do đó, quận Hoàn Kiếm cũng đưa ra một số giải pháp và kiến nghị như: Tối ưu hoá các phần mềm hiện tại và thực hiện đồng nhất các dữ liệu điện tử trên các hệ thống khác nhau; bổ sung thêm tính năng để công chức tiếp nhận hồ sơ chọn phương thức nhận hồ sơ qua bưu chính công ích khi công dân đến nộp hồ sơ trực tiếp trên phần mềm dịch vụ công của thành phố; chuẩn hoá thành mẫu phiếu hướng dẫn đối với các thủ tục cụ thể trên hệ thống...
Về vấn đề này, trong Tờ trình gửi HĐND TP. Hà Nội, UBND thành phố cũng đã đặt ra 12 nhiệm vụ trọng tâm tập trung tổ chức thực hiện, trong đó bao gồm việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC; triển khai các ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động; số hóa, tạo lập kho dữ liệu hồ sơ TTHC; kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; xây dựng và triển khai cơ chế chính sách đặc thù trong thu hút và trọng dụng cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm, chi nhánh và điểm tiếp nhận; cơ chế thuê chuyên gia và ký hợp đồng dài hạn với nhân viên làm việc tại Trung tâm theo quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi).