Hà Nội: Phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong đợt giãn cách thứ 2

Lan Anh - Việt Thắng - Phạm Sỹ 15/08/2021 08:33

Để có thể hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh trong đợt giãn cách thứ 2, chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội cần phải duy trì thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, tiếp tục xét nghiệm diện rộng và tạo thêm nhiều “vùng xanh”.

Xét nghiệm diện rộng, khoanh vùng khu vực nguy cơ

Qua việc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, Hà Nội đã phát hiện thêm một số ca dương tính nằm trong nhóm người có nguy cơ cao. Ở từng khu vực có nguy cơ, lực lượng chức năng triển khai ngay các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, sau khi phát hiện ca nghi nhiễm, toàn bộ khu vực chợ Nguyễn Công Trứ và những khu tập thể lân cận đã được phường Phố Huế thiết lập khu vực cách ly y tế. Đồng thời, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho các tiểu thương và người dân sinh sống trong khu vực.

Theo ông Phan Thế Long, đại diện Văn phòng UBND quận Đống Đa cho biết, trong đợt xét nghiệm diện rộng từ ngày 9/8 đến nay, quận Đống Đa đã tiến hành lấy được 42.481 mẫu trên địa bàn. Dựa theo diễn biến tình hình dịch bệnh, quận Đống Đa cũng đã quyết định lập thêm một số khu vực cách ly y tế tại phường Văn Chương, phường Văn Miếu, phường Thổ Quan, phường Hàng Bột, phường Khâm Thiên với hơn 7.000 nhân khẩu.

Toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực này đang được triển khai quyết liệt với mục đích ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tất cả các chốt kiểm soát tại những khu vực cách ly y tế đều được lực lượng chức năng trực 24/7, lực lượng y tế tiếp tục tiến hành điều tra truy vết, khoanh vùng chùm bệnh trong từng khu vực.

Cần thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho biết, để kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh trong đợt giãn cách thứ 2, Hà Nội cần thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt. Bởi đây là điều quan trọng để cách ly những người đã nhiễm virus với người bình thường, những vùng có nguy cơ với những vùng an toàn.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm diện rộng cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng nguy cơ, vùng được chỉ định, các đối tượng nguy cơ, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng… không xét nghiệm tràn lan. Việc xét nghiệm này sẽ giúp Hà Nội đánh giá được nguy cơ dịch bệnh sau những ngày giãn cách, là yếu tố để tiến tới nới lỏng một cách hợp lý các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo ông Phu, Hà Nội cần tiếp tục tạo được nhiều vùng xanh an toàn, từ các vùng an toàn nhỏ như các ngõ, xóm… tiến tới các vùng an toàn lớn như quận, huyện an toàn, Thủ đô an toàn. Hà Nội đã tạo được nhiều vùng xanh an toàn do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tốt và được người dân tự quản. Đây là biện pháp rất quan trọng, với việc tạo vùng xanh tốt kết hợp với thực hiện tốt 5K thì chuỗi lây nhiễm ngoài cộng đồng có thể bị cắt đứt, không lây lan diện rộng.

Đáng chú ý, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, nếu Hà Nội thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp nêu trên thì hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch bệnh trong đợt giãn cách thứ 2. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, Hà Nội cần xem xét nới lỏng từ từ theo hoạt động, theo vùng nguy cơ, không nới lỏng toàn thành phố, nới tất các hoạt động một thời điểm.

Chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng

Song song với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Sở LĐTBXH Hà Nội đã rà soát đối tượng, tổng hợp và có tờ trình UBND TP Hà Nội về việc bổ sung chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng chưa quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Trên cơ sở đề xuất, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nộiđã họp và thống nhất đồng ý về chủ trương; Thường trực HĐND TP đã họp và đồng ý ban hành nghị quyết quy định các chính sách đặc thù của TP đối với 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 chưa được quy định Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/TTg và Quyết định số 3642/QĐ-UBND.

Ngoài việc đồng ý ban hành chính sách đặc thù của Hà Nội hỗ trợ cho 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP; đồng thời UBND TP Hà Nội bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội để người lao động và người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội. Theo rà soát của Sở LĐTBXH Hà Nội, dự kiến có khoảng trên 324.000 đối tượng được hỗ trợ chính sách đặc thù của TP Hà Nội, với tổng kinh phí dự kiến hơn 345 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong đợt giãn cách thứ 2

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO