Sắp hết năm học 2021-2022 nhưng đến thời điểm này học sinh tiểu học và lớp 6 của Hà Nội vẫn chưa được đến trường. Liệu trường học có mở cửa trước khi các con nghỉ hè là băn khoăn của nhiều phụ huynh.
Con học online ở nhà vẫn mắc Covid-19
Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học. Năm nay là năm học chuyển cấp từ bậc tiểu học lên THCS của của con gái chị Nguyễn Thu Hương (huyện Thanh Trì, Hà Nội), thế nhưng con chưa được một lần được đến lớp học và gặp mặt thầy cô,các bạn.
Chị Hương cho biết, đây là năm học đầu tiên con học theo chương trình sách giáo khoa mới. Thời điểm đầu năm học, do học online nên việc tiếp thu bài của con bị hạn chế. Chị phải dành nhiều thời gian để kèm cặp con. Đến thời điểm này, con đã quen với chương trình mới, kết quả học cũng đã tiến bộ hơn.
Tuy nhiên, theo chị Hương, ngày nào con cũng mong được đến trường. Cả năm học online nhưng có nhiều bạn con chị chưa nói chuyện bao giờ. Nhiều lần chị nhắc con lấy số điện thoại của các bạn để trò chuyện cho quen nhau nhưng con chị nói, các con ngại giao tiếp với nhau vì chưa được gặp mặt. Thấy con bị hạn chế trong giao tiếp, chị thấy thường và hi vọng trường học sớm được mở cửa trở lại.
Khi có thông tin, Hà Nội cho học sinh tiểu học đến trường học trực tiếp khi kết thúc dịp nghỉ Tết Nguyên đán, anh Hoàng Việt Khánh (quận Long Biên) đã phản đối gay gắt. Bởi lúc đó, Hà Nội đang trong giai đoạn đỉnh dịch, số ca mắc Covid-19 trong công đồng liên tục tăng cao đến chóng mặt.
Tuy nhiên đến hôm nay, anh Khánh lại muốn con được đến trường. Gia đình anh Khánh có 4 người, hai con gồm một bạn lớp 1 và một bạn lớp 5. Vì hai vợ chồng đều phải đi làm nên cả năm qua anh chị rất vất vả trong việc sắp xếp thời gian chăm con ăn, học tại nhà.
Hơn nữa, dù các con không tiếp xúc với người lạ nhưng hai con của anh Khánh cũng đã mắc Covid-19, nguồn lây từ chính vợ chồng anh.
Anh Khánh cho biết, ban đầu khi các con dương tính, vợ chồng anh rất lo sợ nhưng chỉ 3 ngày sau khi các con hết sốt, các triệu chứng của con rất nhẹ. Các con ăn, ngủ tốt, vẫn học online và chơi với nhau trong phòng.
“Tôi cho rằng, trường học nên mở cửa theo hình thức dạy trực tiếp và kết hợp dạy online đối với gia đình chưa sẵn sàng cho con tới trường như cách mà các trường đang dạy với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 hiện nay”, anh Khánh cho hay.
Khi nào con được đến trường?
Theo Sở Y tế Hà Nội, Thủ đô đã bước qua đỉnh dịch. Nhiều phụ huynh có con từ lớp 1 đến lớp 6 băn khoăn khi nào con được tới trường.
Thực tế hiện nay, cũng như trường hợp gia đình anh Khánh ở trên, nhiều trẻ đã mắc Covid-19 dù không đi đâu và chỉ học online. Nhưng các em bị lây từ bố mẹ, anh chị, do người lớn vẫn phải đi làm, đi học.
Giữ con mãi trong nhà có được không đang là câu hỏi của nhiều người. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Hà Nội mở cửa trường học giống như TP Hồ Chí Minh.
Theo phân tích của BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, lượng trẻ từng là F0 ở Hà Nội rất lớn, gần như nếu trong gia đình có người mắc Covid-19 thì trẻ cũng mắc.
Trẻ mắc Covid-19 do biến thể Omicron thường có triệu chứng rất nhẹ và nhanh hồi phục. Việc xử lý các trường hợp F0 xuất hiện trong nhà trường cũng rất đơn giản. Trong khi đó, lợi ích của việc cho trẻ đến trường như trẻ tập trung, tiếp thu tốt hơn, người lớn có thể chuyên tâm lao động, sản xuất, sinh hoạt ổn định.
Khi trẻ đến trường, khả năng xuất hiện trẻ bị F0 mới không thể tránh khỏi. Do đó, BS Khanh cho rằng, nhà trường cần chuẩn bị các tình huống để xử lý nếu xuất hiện F0 trong trường học. Các trường có thể chia lớp học thành nhóm nhỏ, nếu xuất hiện ca mắc thì việc xử lý gói gọn trong nhóm đó.
Cách xử lý đơn giản nhất là cho F0 đó nghỉ học, tự cách ly đến khi khỏi. Lớp học vẫn được tổ chức bình thường, giống như xử lý với các bệnh cúm mùa, tay chân miệng, quai bị.
Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2021 - 2022 thành phố có gần 129.000 học sinh lớp 1. Nếu tính cả cấp mầm non, tiểu học và lớp 6 thì khoảng gần 1,5 triệu học sinh thủ đô đang phải tạm nghỉ ở nhà do dịch Covid-19.
Theo Phó giám đốc Sở GDĐT Trần Lưu Hoa, đến nay công tác phòng, chống dịch tại các trường đã đi vào nền nếp, đảm bảo yêu cầu của ngành y tế và ngành giáo dục. Số cán bộ giáo viên, học sinh có yếu tố dịch tễ tiếp tục giảm. Số học sinh đi học trực tiếp tăng lên nhiều.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng đã đề nghị Sở GDĐT xem xét tình hình thực tế công tác phòng chống dịch hiện nay để tổ chức việc học bán trú cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.
Việc tổ chức bán trú phải phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương, trường, lớp, đồng thời được sự đồng thuận của gia đình, phụ huynh học sinh.