10h tối 6/3, Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Sáng 7/3, diễn ra việc một bộ phận người dân vội vã đi mua hàng tích trữ, một số người kinh doanh nhân cơ hội đẩy giá nhiều mặt hàng thiết yếu lên cao. Cùng ngày, vừa khẩn trương chống dịch, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã áp dụng nhiều biện pháp ổn định tình hình. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: Thành phố đủ nguồn lực để bảo đảm thực phẩm cho người dân.
Cũng trong ngày 7/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, trước diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngày 8/3, tình hình sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội đã trở lại bình thường. Người dân tin tưởng vào những biện pháp chống dịch quyết liệt, hiệu quả; cũng như quyết tâm bảo đảm đời sống người dân của Chính phủ, của TP Hà Nội cũng như các ngành chức năng.
Ngay trong sáng 8/3, các siêu thị, chợ truyền thống tại Hà Nội đã dồi dào hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân. Ảnh: Quang Vinh.
Kể từ khi Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên (đêm 6/3), tình hình có nhiều diễn biến. Trước đó, Hà Nội cùng cả nước đã làm rất tốt việc chống dịch Covid-19, thì nay lại càng khẩn trương, quyết liệt, chặt chẽ hơn. Song song với chống dịch, thì việc bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân cũng được quan tâm ở mức cao nhất.
Tâm lý đám đông
Khi Hà Nội công bố bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên, nhu cầu mua sắm và tích trữ nhu yếu phẩm của người dân tăng đột biến. Tính từ đêm 6/3 đến sáng 7/3, lượng hàng hóa bán ra đã tăng 4-5 lần- theo đại diện Sở Công thương Hà Nội. và như vậy là điều bất thường.
Tại khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) nơi có 1 người tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội, sáng sớm ngày 7/3, người dân xếp hàng sớm tại các siêu thị Vinmart, siêu thị mini, chuỗi cửa hàng thực phẩm trong khu đô thị. Chỉ sau đó ít giờ, nhiều mặt hàng đã không còn trên kệ, trong khi dòng người bên ngoài vẫn tiếp tục chờ đợi. Nhiều cư dân ở Times City cho biết, họ đã mất ngủ cả đêm hôm trước khi thấy hàng xóm người thì rục rịch gửi con cái về quê, người thì xuống siêu thị mua thực phẩm tích trữ.
Còn tại khu dân cư Tập thể T4 Viện Thú y, ngõ 74 Trường Chinh, quận Đống Đa, nơi cũng có 1 người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội, siêu thị Vimart gần đó cũng xuất hiện cảnh rồng rắn xếp hàng từ sớm. Chị Nguyễn Thị Vân Khánh, một người mua hàng ở đây cho hay vào siêu thị từ 8 giờ sáng 7/3, đến 10 giờ mới thanh toán xong số hàng mua về tích trữ.
Còn tại nhiều chợ dân sinh các khu vực: Chợ Việt Hưng, chợ Ô Cách (quận Long Biên); chợ Mơ, Trương Định (quận Hai Bà Trưng), chợ Hôm- Đức Viên (quận Hoàn Kiếm); chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Thành Công (quận Ba Đình)… người dân theo tâm lý đám đông cũng đổ xô đi mua hàng. Bà Ngô Thị Minh, sống tại P1 Khu Đô thị Việt Hưng, quận Long Biên kể: Tôi đi tập thể dục lúc 6h sáng 7/3, thấy người dân mua thịt lợn mỗi kg giá bị đẩy lên tăng hơn 150.000 đồng so với hôm trước. Giá các loại rau củ quả cũng tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Mặt hàng thịt lợn trong siêu thị vẫn ổn định giá.
Thậm chí cũng trong ngày 7/3, nhiều người ở Hà Nội đã gọi điện thoại về quê nhờ người thân mua lương thực thực phẩm gửi về tích trữ. Cụ thể, tại chợ Mè, Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ sáng 7/3 đông đúc hơn mọi ngày. Bà Hoàng Thị Nga, phố Hùng Vương, thị xã Phú Thọ kể: Con gái bà ở Hà Nội gọi về từ khuya 6/3 nhờ mua gạo, thịt lợn, thịt gà, cá. Tại chợ Thái – khu chợ lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên, người dân cũng vội vã mua đồ gửi về cho người thân ở Hà Nội khiến các loại thực phẩm ở đây cũng tăng giá so với mọi ngày. Bà Nguyễn Thị Thuỷ, phố Minh Cầu, TP Thái Nguyên mua gạo và một số đồ khô gửi cho gia đình con trai ở quận Đống Đa cũng kể lại trong tâm trạng lo lắng.
Vậy, phải làm gì để ổn định cuộc sống người dân, không để xảy ra tình trạng hoang mang và cũng không để một số người “đục nước béo cò”?
Không để thiếu hàng hoá
Tại văn bản của Văn phòng Chính phủ (ngày 7/3) truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, trước diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Thủ tướng chỉ đạo rất cụ thể: Đối với Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng NNPTNT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm về việc cung cấp đủ hàng hoá cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hoá. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật. Thủ tướng cũng đã trực tiếp chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội; yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 23 giờ đêm để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô.
Trong cuộc họp khẩn chiều 7/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Người dân cần hết sức bình tĩnh, bối cảnh đất nước đang khó khăn nên càng cần sự sẻ chia chung sức chung lòng. Các doanh nghiệp, nhà phân phối đều cam kết không thiếu hàng hóa, các lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân kiểm soát thị trường. Người dân không nên đổ xô mua hàng tích trữ, tạo sốt hàng hóa ảo.
Tại chợ truyền thống, việc mua bán đã bình thường kể từ sáng 8/3.
Ông Trần Duy Đông-Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, sau khi nhận thông tin TP Hà Nội có 1 trường hợp nhiễm với Covid-19, Vụ Thị trường trong nước đã có văn bản gửi các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn TP Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội. Sở Công thương Hà Nội trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, từ 22h30 ngày 7/3, UBND TP Hà Nội đã họp với các sở, ban ngành và yêu cầu Sở Công thương Hà Nội đảm bảo nhu cầu cho người dân và trấn an tâm lý người tiêu dùng. “Trong bất kỳ tình huống nào các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, nhu cầu tăng đột biến. Hà Nội quyết tâm không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ, không để các kệ bị trống hàng, thiếu hàng”- bà Lan nói và khẳng định lượng hàng hóa vẫn rất dồi dào.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội sáng 7/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, việc người dân lo lắng là điều có thể chia sẻ, nhưng sự lo lắng cần thể hiện bằng hành động thực tế, bằng cách tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, có trách nhiệm thông báo tình hình sức khoẻ cho chính quyền các cấp, không nên hoang mang, lo lắng quá mức. “Thành phố đủ nguồn lực để bảo đảm thực phẩm cho người dân, chúng ta không cần đi mua tích trữ”- ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Thị trường ổn định trở lại trong ngày 8/3
Chỉ sau một ngày lương thực, thực phẩm bị “rối” về giá cả, sáng 8/3, hệ thống các siêu thị đã triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân.
Chợ đầu mối Văn Quán (quận Hà Đông), là chợ cung cấp lượng rau củ lớn cho thành phố Hà Nội; hay chợ Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì… hàng hoá chất đầy. Bà Bùi Thị Ngoan, bán rau quả ở chợ đầu mối Văn Quán cho hay: Sáng hôm qua (7/3), tôi bán hàng mỏi tay, còn sáng nay (8/3) thì ngồi chơi không, ít khách mua lắm.
Còn ở các siêu thị, không khí đã trở lại nhịp ngày thường, không còn cảnh xếp hàng, tranh nhau nhặt lương thực, thực phẩm. Tuy sức mua tăng nhưng giá các mặt hàng vẫn không thay đổi. Đặc biệt mặt hàng rau, củ, quả… tại BigC Long Biên còn đang được áp dụng chương trình giảm giá. Dầu ăn hay nước rửa tay cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách. Mặt hàng thực phẩm đông lạnh được nhiều người tiêu dùng chọn mua trong thời điểm này khá dồi dào.
Lương thực được chuẩn bị tốt, phục vụ đầy đủ cho người tiêu dùng.
Tại siêu thị Aeon Mall, lượng khách đến mua hàng khá nhiều, người dân dễ dàng lựa chọn nhiều loại rau, củ, quả… Chị Lê Thanh Vân (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Việc mua bán trong siêu thị ngày 8/3 rất “nhẹ nhàng”. Việc tăng giá cũng không có. “Gia đình tôi vẫn đang theo dõi sát tình hình dịch Covid-19 và hoàn toàn không thấy hoang mang bởi hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời giá nhu yếu phẩm cũng được kiểm soát kịp thời”- chị Vân nói.
Được biết, để phục vụ người dân một cách tốt nhất, hệ thống siêu thị BigC đã tăng lượng dự trữ hàng thực phẩm thêm 3-4 lần; làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, kể cả làm thêm ca đêm, cam kết tiếp tục giữ ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, bảo đảm luôn đủ nguồn hàng cung ứng trước mắt trong vài tuần tới. Công ty BRG Retail đã tăng gấp 3 lần lượng hàng dự trữ, riêng mặt hàng gạo đang điều 20 tấn từ phía Nam ra Hà Nội.
Công ty MM Megamarket khẳng định đủ nguồn hàng để cung ứng cho thị trường. Công ty đã có sự chuẩn bị từ trước, đã làm việc trực tiếp với các trang trại để bảo đảm nguồn cung và an toàn thực phẩm. Tại các siêu thị, Công ty sắp xếp và yêu cầu nhân viên tăng cường các biện pháp nhằm phục vụ khách hàng nhanh nhất và bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Như vậy, có thể khẳng dịnh rằng, dù diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, nhưng cuộc sống sinh hoạt không bị đảo lộn; mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Người dân tin tưởng vào các biện pháp chống dịch cũng như bảo đảm đời sống. Lường trước được tình hình, Hà Nội không bị động. Hà Nội cùng cả nước chủ động chống dịch.
Kiên quyết xử lý các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật
Kiểm tra các mặt hàng thiết yếu tại một số siêu thị, bà Trần Thị Lan Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, các mặt hàng hóa thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm xanh, giấy vệ sinh… đều dồi dào trên các kệ, quầy hàng của siêu thị Vinmart Thăng Long và Vinmart Times City tại chung cư Times City (số 458 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng). Các siêu thị đều bố trí nhân sự tập trung tại các quầy thanh toán, quầy hàng để hỗ trợ tối đa khách hàng. Đồng thời, tăng sản lượng hàng hóa từ 4 - 5 lần so với ngày bình thường và tăng từ 30 - 40% lượng hàng dự trữ.
Theo bà Phương, Sở Công thương Hà Nội cũng đã có công văn yêu cầu Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra trên tất cả các địa bàn trong toàn thành phố, bảo đảm bình ổn thị trường. Kiên quyết xử lý các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật. Ông Nguyễn Thái Dũng-Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết, doanh nghiệp đã phát hiện một số tư thương mua gom hàng hóa số lượng lớn để găm hàng, đầu cơ. Điển hình là vụ việc một khách hàng mua 120 lọ nước rửa tay trị giá khoảng 6 triệu đồng vào sáng 7/3. “Chúng tôi cương quyết không phục vụ khách hàng đó. Đồng thời, mỗi khách hàng được mua tối đa 5 kg gạo, 2 lít dầu ăn và 2 thùng mì tôm”- ông Dũng thông tin.
Còn về phía Tổng cục Quản lý thị trường, đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các đội QLTT giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý. Đặc biệt, chú trọng việc phát hiện kịp thời để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện toàn thành phố có 455 chợ, 26 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích và số lượng rất lớn doanh nghiệp bán hàng online. Hàng hóa đã được dự trữ và phân phối, sẵn sàng cung ứng trong trường hợp dịch. Ngành Công thương Hà Nội đã xây dựng kịch bản dự trữ hàng hóa cho 4 cấp độ dịch. Cơ quan này đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa cho cả trường hợp 1.000 người phải cách ly vì dịch Covid-19.