Hà Nội sẽ di dời 1.900 hộ dân khu vực ven đê

Nguyên Khánh 09/10/2017 08:15

Theo dự án điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam lập, sẽ có khoảng 1.900 hộ dân khu vực ven đê phải di dời.

So với con số hơn 30.000 hộ sẽ phải di dời từng được phê duyệt vào năm 2007 thì số hộ dân phải di dời đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của dự án.

Hà Nội đề xuất di dời nhiều hộ dân khu vực ven đê.

56.904 tỷ đồng thực hiện quy hoạch phòng chống lũ

Theo Quy hoạch phân lũ trên các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội mà Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam vừa hoàn thành, không gian thoát lũ sẽ rộng hơn và nằm giữa hai đê chính.

Tổng số hộ cần di dân là khoảng 1.900 hộ. Diện tích sử dụng bãi sông khoảng 4.568ha, 20 bãi và việc xây dựng sẽ có giới hạn.

Quy hoạch do Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam lập cũng đề xuất nạo vét 4 bãi sông: Trung Châu (huyện Đan Phượng), Võng La và Hải Bối (huyện Đông Anh) và Văn Đức (huyện Gia Lâm). Quy hoạch chống được lũ chu kỳ 500 năm cho trung tâm TP Hà Nội… Tổng kinh phí cần thiết để triển khai quy hoạch phòng chống lũ là 56.904 tỷ đồng.

Lý giải vì sao lại điều chỉnh quy Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, sau khi có Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã thuê Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tư vấn lập quy hoạch phòng chống lũ trên các tuyến đê thuộc địa bàn Hà Nội đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi của 6 Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng.

Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang trình xin ý kiến của Bộ NN&PTNT.

Quy hoạch này có nhiều điểm mới mang tính đột phá so với trước đây. Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, theo Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, Hà Nội sẽ phải di dời 197 khu dân cư với 30.230 hộ dân, tương ứng 129.567 nhân khẩu, diện tích 2.854,87ha, tổng chi phí khoảng 100.000 tỷ đồng.

Nếu theo quy hoạch này, Hà Nội chỉ phải di dời 9 khu dân cư với 1.900 hộ. Các khu vực còn lại sẽ được tồn tại, bảo vệ; được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có…

Như vậy, có thể thấy đã có hướng mở cho việc quy hoạch, sử dụng hiệu quả đất vùng bãi.

Nêu ý kiến với vai trò là đơn vị thẩm tra, đại diện Trường ĐH Thủy lợi cho biết, Quy hoạch cơ bản phù hợp với những điều kiện hiện nay, đặc biệt là việc cho phép xây dựng ven bãi sông sẽ giúp tận dụng tiềm năng về tài nguyên đất ven sông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Trường ĐH Thủy lợi cũng có kiến nghị, nguồn kinh phí sử dụng để thực hiện quy hoạch trên rất lớn. Do đó, nên xem xét xã hội hóa đầu tư.

Lấy nguồn kinh phí ở đâu

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, sau khi lấy ý kiến rộng rãi, 30 quận, huyện, thị xã, các sở ban ngành và đông đảo người dân Thủ đô đồng tình với phương án Quy hoạch của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về kinh phí thực hiện dự án.

Một bộ phận người dân và chính quyền địa phương hiện nay mong muốn tăng tỷ lệ diện tích đất bãi sông được phép xây dựng công trình hạ tầng.

Ông Lê Viết Sơn- trưởng phòng Quy hoạch Bắc Bộ (Viện Quy hoạch Thủy lợi) cho biết, thực tế, Quy hoạch đã đưa ra những nội dung tiến bộ, đặc biệt đối với khu vực dân cư ngoài bãi.

Đơn cử như khu vực nằm ngoài bãi trước đây không được phép xây dựng, cải tạo, nay quy hoạch đã rà soát, tính toán và có đề xuất những khu dân cư hiện hữu cơ bản được phép tồn tại.

Tuy nhiên, một số khu vực có nguy cơ mất an toàn đê điều hoặc ảnh hưởng đến dòng chảy, vi phạm pháp luật thì buộc phải giải tỏa.

Theo ông Lê Văn Thủy- phó chủ tịch phường Tứ Liên, kết quả rà soát 3 năm trước, khu vực ngoài đê bối thuộc phường Tứ Liên có khoảng 100 hộ cải tạo làm nhà cấp 4. Theo ông Thủy, phường Tứ Liên có 7 khu dân cư thì 6 khu dân cư ngoài đê, dân số khoảng 1,5 vạn thì di dời đi đâu đều là rất khó khả thi.

Trong khi đó, kinh phí di dời, tái định cư cho người dân được lấy từ đâu là bài toán khó. Còn nếu xã hội hóa thì có thể sẽ tăng mật độ cư dân, điều này càng khó được chấp thuận.

“Ở góc độ chính quyền, chúng tôi rất mong muốn Thành phố sớm có quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết khu vực ngoài đê để có cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, chỗ nào dân có nhu cầu người dân muốn cấp sổ đỏ thì tạo điều kiện đảm bảo phù hợp với quy hoạch. Người dân cũng mong mỏi điều này”- ông Thủy nói.

Bà Lê Bích Hằng- chủ tịch UBND phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng cho rằng, nếu điều chỉnh quy hoạch nên giải phóng mặt bằng bố trí các hộ dân về các khu tái định cư bởi dân cư hai bên bờ sông, nhất là đối với địa bàn phường Bạch Đằng không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để tu sửa ngôi nhà của mình đúng quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, vấn đề quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết trên tuyến sông có đê và sử dụng khu vực đất bãi được Bộ NN&PTNT rất quan tâm.

Bộ sẽ có ý kiến sớm để Hà Nội quản lý, kiểm soát khu vực này. Đồng thời cần tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong dư luận, nhân dân.

Trong quá trình thực hiện quyết định 257/QĐ-TTg do kéo dài nên đã tăng lên số khu dân cư, vì vậy Hà Nội cần rà soát lại để báo cáo Thủ tướng.

Song song với việc di dời dân phải bảo đảm nguyên tắc thoát lũ. Trong đó, đối với vùng không được phép có thể sử dụng làm công viên cây xanh. Đối với khu vực cho phép xây dựng, cần nghiên cứu bảo đảm an toàn.

Khu vực nào không được phép thì phải để hở. Đối với khu vực sông Đáy phải cân nhắc để tổ chức lại khu dân cư như thế nào cho phù hợp vì nhiều nơi ở khu vực này đã có 17% dân cư sinh sống. Hà Nội phải nghiên cứu để điều chỉnh và quản lý rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội sẽ di dời 1.900 hộ dân khu vực ven đê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO