“Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta”, đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ -Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị. “Hà Nội 2020- Hợp tác đầu tư và phát triển” vừa diễn ra.
Tại sao người đứng đầu Chính phủ lại đưa ra một “đề bài” khá là “xương” đối với Hà Nội đó là “trở thành một trong những trung tâm của Đông Á” dù Hà Nội cũng giống như các thành phố khác vừa trải qua những ngày tháng khó khăn bởi đại dịch Covid-19? Đó là bởi Hà Nội có đầy đủ những điều kiện để bứt phá sau dịch.
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới lao đao, hầu như các nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng âm thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Góp vào việc giữ được sự tăng trưởng này là nhờ sự nỗ lực của các địa phương trong đó không thể không kể đến thành tích tăng trưởng trên 3% đầy ấn tượng của Hà Nội.
Thứ 2, trong những năm qua, Hà Nội luôn đứng trong tốp đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong 2 năm 2018-2019, Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI với vốn đăng ký 7,5 tỷ USD (năm 2018) và 8,669 tỷ USD (năm 2019).
Trong 5 tháng đầu năm 2020, Thành phố đã thu hút được 1.184,3 triệu USD. Trong Quý II/2020, khẩn trương tập trung hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các hồ sơ khả thi, phấn đấu thu hút 1,5 tỷ USD; nâng tổng vốn FDI thu hút 6 tháng năm 2020 đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Dự kiến, năm 2020 Thành phố thu hút khoảng 5 tỷ USD.
Thứ 3, trong bối cảnh đón nhận làn sóng đầu tư mới, định hướng lại chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng vươn tới giá trị gia tăng cao hơn, lớn hơn, Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới này. Hà Nội đã “âm thầm” chuẩn bị điều kiện đón nhận làn sóng đầu tư mới. PCI của thành phố bứt phá vượt lên nhóm dẫn đầu; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Hà Nội nằm trong “top” 3-4 địa phương tốt nhất trên cả nước, đầu tư hợp tác công tư cũng dẫn đầu. Chính quyền điện tử được triển khai một cách mạnh mẽ. Tầm nhìn của Hà Nội ngày càng bền vững hơn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Hà Nội. Các tập đoàn đa quốc gia cũng đang có xu hướng chuyển dịch văn phòng tại Singapore, Thái Lan sang Việt Nam… đó là những điều có thể nhìn thấy rõ một thành phố hàng đầu của Đông Nam Á mang tên Hà Nội đang định hình.
Đặc biệt tại Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” vừa được tổ chức, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Đây là một thành tích rất ấn tượng, là dấu ấn của thành phố Hà Nội trong công tác thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Nguồn vốn này sẽ bổ sung động lực quan trọng, một nền tảng vững chắc cho Hà Nội trên chặng đường phát triển, hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn của mình.
Phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm vượt bậc và những thành quả quan trọng mà thành phố đã đạt được, đồng thời gợi mở: Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với vai trò trung tâm đầu não về chính trị, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Trong dòng chảy hơn 1.000 năm lịch sử, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta.
Mong muốn, kỳ vọng đó của người đứng đầu Chính phủ, bộc bạch qua một hội nghị quan trọng hàng đầu của Hà Nội, với sự tham dự của hơn 1.800 đại biểu, bao gồm hơn 1.300 nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng chính là mong muốn, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã bày tỏ tại Hội nghị này: Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đến năm 2025, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế; đến năm 2045, trở thành thành phố của nước Việt Nam phát triển, thành phố toàn cầu có thu nhập cao.
Thủ đô Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn với thông điệp được lãnh đạo thành phố nhiều lần nhấn mạnh: Hà Nội sẵn sàng chào đón và hợp tác với các nhà đầu tư, các cá nhân, tổ chức, các tỉnh, thành phố trong nước, các quốc gia, vùng lãnh thổ... để cùng phát triển bền vững. Đó chính là những bước đi cụ thể, bài bản, là cả quá trình bền bỉ, căn cơ nhằm hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn Hà Nội trong tương lai.