Trước những hậu quả về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang diễn ra, ngày 24/11, lần đầu tiên, Công an TP Hà Nội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Toà tổng Giám mục Hà Nội và Tổng hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc đồng tổ chức hội thảo bàn về việc bảo vệ môi trường có tầm nhìn đến năm 2025.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tham dự hội thảo.
Dự hội thảo có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Có thể quy mô hội thảo này còn rất khiêm tốn so với tầm vóc to lớn của sự nghiệp bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đây chính là sự thể hiện tiếng nói chung của 5 đơn vị đồng chủ trì trên địa bàn thành phố Hà Nội muốn chung sức chung lòng chung tay cùng xã hội bảo vệ môi trường với thông điệp: Bảo vệ môi trường đừng bao giờ chờ đợi.
Theo TS Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đây là một hội thảo rất ý nghĩa.
Việc xây dựng chiến lược phát triển xanh bền vững là mục tiêu của tất cả các quốc gia, Hà Nội cũng không nằm ngoài mong mỏi này.
Tuy nhiên, hiện tại môi trường Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra từ 8-10 ngàn tấn rác thải trong khi việc xử lý chủ yếu là chôn lấp, việc thu gom rác thải chưa được xử lý triệt để và cơ giới hoá.
Trong khi đó, ô nhiễm nước ngầm, ô nhiễm tại các làng nghề, khu công nghiệp đều rất nghiêm trọng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm là chuyện hàng ngày, ô nhiễm không khí có ngày vượt hàng chục lần.
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, Hà Nội hiện có 266/1.350 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, với khoảng 60.000m3 nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường.
8 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 48 cụm công nghiệp và trên 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp, trong đó một khu công nghiệp và 30 cụm nông nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải.
Quang cảnh hội thảo.
Ngoài ra Hà Nội còn có 58.000 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng, trên 5.300 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Đặc biệt, trong thời gian qua, hiện tượng cá chết tại một số hồ của Hà Nội gây bức xúc và lo lắng cho người dân.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay Hồ Tây có trên 40 cửa xả thải tuy nhiên nước xả thải có nguồn nước từ nước sinh hoạt chỉ có 8 cửa.
Tuy nhiên cá chết hàng loạt ở Hồ Tây không phải là do xả thải mà là do tự nhiên.
Thứ nhất là do mật độ cá ở Hồ Tây quá dầy, mười mấy con cá trên một mét khối nước.
Thứ hai mặt nước Hồ Tây có những nơi bùn quá dầy. Mưa và biến đổi khí hậu đã dẫn đến hiện tượng phốt pho từ bùn tăng lên đột biến, khiến tảo phát triển ồ ạt, dẫn đến hiện tượng mất oxy.
“Kết quả xét nghiệm cho thấy oxy ở Hồ Tây bằng không. Oxy mất từ dưới đáy hồ nên chỉ trong vòng 2 ngày gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt”, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Hiện tượng này là vấn đề vô cùng nghiêm trọng, Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chung cũng cho hay, Hà Nội có hơn 1.000 hồ thì tất cả các hồ đều ô nhiễm trầm trọng.
“Nếu chúng ta không giải quyết nhưng vấn đề này chúng ta không thể phát triển được”, người đứng đầu chính quyền Thủ đô nói.
Để giải quyết, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định, ngay trong đầu tháng 12 tới, Hà Nội sẽ có 10 trạm quan trắc không khí, sang năm 2017 xây dựng thêm 50 trạm quan trắc và tiến tới là lắp các trạm quan trắc tại các hồ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội thảo.
Cây xanh được xem là một trong những giải pháp giảm tỉ lệ ô nhiễm bụi, tiếng ồn. Chính vì vậy, mục tiêu của Hà Nội sẽ phủ 1 triệu cây xanh, phấn đấu 10m2/ một đầu người/ cây xanh. Cho đến nay Hà Nội đã trồng được hơn 500 ngàn cây.
Để góp phần giải quyết cơ giới hoá việc thu gom rác thải, cũng trong tháng 1 này, Hà Nội sẽ khởi công Nhà máy đốt rác thải bằng nhiệt điện.
Do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng nề, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, cần chấm dứt sử dụng nước ngầm, thay vào đó, người dân Hà Nội sẽ được sử dụng nước đáp ứng tiêu chí uống được tại vòi.
Hiện nay, TP Huế được xem là một trong những địa phương đầu tiên áp dụng thành công tiêu chí nước sạch tại vòi cho người dân.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, trước mắt, kế hoạch này sẽ triển khai tại khu vực nội thành, các khu vực ngoại thành, nhất là vùng nông thôn hiện chưa có đủ kinh phí để thực hiện.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng việc phát triển kinh tế xanh trong đó có phát triển năng lượng xanh là xu hướng của thành phố Hà Nội.
“Điều này, đòi hỏi sự chung tay của tất cả, đòi hỏi tính tự giác từ bản thân mỗi người”, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội là một trong những tổ chức có nhiều trách nhiệm trong việc vận động và tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường.
Đại diện Công an TP, Ủy ban MTTQ TP và các tôn giáo tham dự Hội thảo.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, để phát huy vai trò toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, trong những năm qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường; xây dựng các mô hình lồng ghép với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" nay là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", với 5.128/5.128 khu dân cư đăng ký "Khu dân cự tự quản bảo vệ môi trường”...
Các tôn giáo đều lấy con Người làm trung tâm, các tôn chỉ hoạt động, giáo lý, giáo luật đều mở rộng tình thương yêu, sống vị tha, bác ái bao dung…
Trên cơ sở đó, phát huy truyền thống tốt đời, đẹp đạo, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã động viên, phối hợp, tổ chức các tổ chức tôn giáo cùng chung tay bảo vệ môi trường- hoạt động thiết thực nhằm triển khai Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với 40 tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015- 2020.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có 8 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, với 2.463 cơ sở thờ tự và trên 70.000 các chức sắc, nhà tu hành.
Trong đó Phật giáo có gần 50 vạn tín đồ, công giáo có khoảng 20 vạn tín đồ, các tín đồ sống ở 5.428 khu dân cư.
Có thể nói đồng bào tôn giáo là một bộ phận trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Thủ đô, ngoài các hoạt động theo hệ thống giáo lý, giáo luật và các sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, đồng bào các tôn giáo còn là một thành tố xã hội, văn hóa đạo đức mang tính cộng đồng.
Trong những năm qua các tôn giáo Thủ đô đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, triển khai nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội có vai trò đóng góp nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chia sẻ với các đại biểu tại hội thảo, Linh mục Bruno Phạm Bá Quế, Giám đốc Caritas Hà Nội, Thiên chúa đã yêu thương và tạo dựng vũ trụ cho con người nên tất cả chúng ta đều có quyền thụ hưởng môi trường tự nhiên mà Thiên Chúa đã trao ban.
“Thiên chúa tôn trọng quyền đó của con người, nhưng không vì thế mà chúng ta có quyền nhân danh sự phát triển hoặc bất cứ thứ gì để hủy diệt hay chiếm đoạt vũ trụ, thế giới này cho kế hoạch riêng tư của mình. Lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn đang vang lên mỗi ngày, gọi mời chúng ta phải thay đổi tâm hồn: "Hãy có cái nhìn mới về sự vật; hãy thực hiện "cách mạng văn hóa triệt để" vì chúng ta đang làm cho trái đất trở nên "một bãi rác khổng lồ"; hãy thức tỉnh tâm hồn mình và hướng tới một "hoán cải về sinh thái"; hãy lắng nghe "tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc than của người nghèo", Linh mục Phạm Bá Quế khẳng định.
Theo đó, Tổng giáo phận Hà Nội đã và đang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chương trình bảo vệ môi trường thông qua việc treo pano và hình ảnh về bảo vệ môi trường nơi bảng tin của giáo xứ và tại các khu vực chung, mỗi giáo dân có ít nhất một hành động cụ thể trong việc bảo vệ môi trường và phải thực hiện ngay.
Để thực hiện được điều đó, linh mục Phạm Bá Quế cho rằng, Tổng giáo phận cần đến sự chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp đắc lực của chính quyền địa phương, bởi lẽ: "Tôi không thể, nhưng cùng nhau chúng ta có thể".
"Cùng với các tổ chức của xã hội, ước mong người giáo dân Công giáo trong địa bàn Tổng Giáo phận Hà Nội sẽ là những tác nhân hàng đầu trong công cuộc bảo vệ môi trường hôm nay", Linh mục Bruno Phạm Bá Quế bày tỏ.
Ký kết chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2017- 2025.
Đối với vấn đề Công an tham gia bảo vệ môi trường, Trung tá, ThS Mai Tùng Lâm - Phó trưởng phòng tham mưu, Công an TP Hà Nội, cho biết, Công an TP đã chủ động tham mưu cho thành phố chỉ đạo giải quyết hiệu quả những phức tạp nảy sinh liên quan đến vi phạm pháp luật về môi trường, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, kích động các hoạt động gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến việc xả thải gây hậu quả nghiêm trọng của công ty Fomosa Hà Tĩnh, các vụ việc liên quan đến vụ việc ô nhiễm môi trường được dư luận quan tâm (vụ cá chết hàng loạt ở Hồ Tây và hồ Linh Đàm; ô nhiễm từ các làng nghề; các bãi rác, khu xử lý rác thải tập trung), Công an TP Hà Nội đã tham mưu cho Thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát, khắc phục, giải quyết kịp thời, không để xảy ra vụ việc tương tự.
Được biết, ngay sau hội thảo này, để phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và các tổ chức tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, Công an TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội sẽ tổ chức lễ phát động phong trào và ra quân giữ gìn môi trường tại 15 bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố vào ngày 26/11.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, đây chính là việc biến lý luận thành thực tiễn và ông mong mỏi từ đây các cơ quan tổ chức nêu cao tinh thần tự giác hưởng ứng phong trào ý nghĩa này, mỗi một tuần có một sở, một cơ quan, tổ chức phát động một hoạt động bảo vệ môi trường.
Để động viên và khuyến khích nhân dân bảo vệ môi trường, cũng theo ông Nguyễn Đức Chung, trong thời gian sắp tới, Hà Nội sẽ thực hiện cơ chế giao cho người dân bảo vệ cây xanh trước cửa nhà mình và khuyến khích người dân trồng thêm cây xanh.
Cũng tại Hội thảo, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã kêu gọi nhân dân Thủ đô tham gia bảo vệ môi trường. 5 tổ chức cũng tiến hành ký kết chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2017- 2025.
Hình ảnh tại Hội thảo:
Đại biểu tham dự hội thảo.