Trong những ngày gần đây, Hà Nội liên tục ghi nhận các ca dương tính Covid-19 mới.
Xét nghiệm toàn bộ người ho, sốt, không cần yếu tố dịch tễ
Trước việc ghi nhận liên tiếp một số ca dương tính mới, có những F0 chưa xác định rõ nguồn lây, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn 245/SYT-NVY gửi các đơn vị y tế dự phòng yêu cầu tiếp tục rà soát, xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng nguy cơ tại cộng đồng trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, từ nay đến ngày 25/7, rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 để đánh giá nguy cơ đối với các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc Covid-19, không cần yếu tố dịch tễ, thời gian bắt đầu có triệu chứng từ ngày 10/7/2021. Sử dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR lấy mẫu gộp thực địa, hoặc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên.
Rà soát, xác minh người về từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội chống dịch trên quy mô toàn tỉnh; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2. Thực hiện lấy mẫu giám sát với người làm nghề lái xe, phụ xe bus, bán vé xe bus trên địa bàn thành phố.
Chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch
Hiện tại, một trong những chùm ca bệnh mới xuất hiện tại Hà Nội chưa rõ nguồn lây là chùm ca bệnh tại B8, Tân Mai. Hiện đã có 2 gia đình tại đây đều có nhiều thành viên dương tính SARS-CoV-2. Tại đây đã thiết lập khu vực cách ly.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch UBND phường Tân Mai (quận Hoàng Mai), ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, toàn bộ khu cách ly có 27 hộ, 77 nhân khẩu. Một trong hai gia đình có ca dương tính thuộc khu tập thể B8 có 7 người thì có 6 trường hợp dương tính. Đối với gia đình này, khi có dấu hiệu ho, sốt họ đã đến Bệnh viện Bạch Mai để làm xét nghiệm. Sau khi có kết quả dương tính, Bệnh viện Bạch Mai đã báo về cho địa phương.
Lực lượng y tế phường đã khẩn trương truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đối với các hộ bên trong. Trong ngày 18/7, phường Tân Mai đã test nhanh 291 que test nhanh để kiểm tra xác suất lây lan ra cộng đồng. Rạng sáng ngày 19/7, có kết quả thông báo 4 ca dương tính, ngay lập tức đã đưa đi cách ly.
“Đối với các hộ bị cách ly có nhu cầu về thực phẩm, chính quyền địa phương cùng Tổ Covid cộng đồng, các chi hội đoàn thể sẽ mua giúp. Đối với rác thải sinh hoạt thì chính quyền địa phương sẽ phát túi nilon để thu gom. Trước khi rác thải được vận chuyển đi xử lý thì sẽ được phun khử khuẩn. Mỗi gia đình cũng được phát nước sát khuẩn. Chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo biện pháp an toàn nhất cho người dân” - ông Tùng cho biết.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa
Vừa tập trung chống dịch, Hà Nội vừa thực hiện mọi biện pháp, lên các kịch bản đảm bảo luôn cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, đảm bảo đời sống của người dân.
Ghi nhận thực tế, trong ngày 19/7, các siêu thị, chợ, các cửa hàng tiện ích đều “đầy ắp” hàng hóa, số lượng người dân đến siêu thị tăng khoảng 30%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành BigC khu vực Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cho biết, hệ thống siêu thị BigC trên địa bàn Hà Nội hoàn toàn chủ động tích trữ hàng hóa. Đối với mặt hàng khô, lượng đặt hàng đã tăng lên gấp 3 lần trong thời gian vừa qua. Các mặt hàng tươi sống, cũng được tăng lượng lên gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường.
“Chúng tôi tự tin nếu khách hàng mua không phải tích trữ hay đến với số lượng quá đông thì chúng tôi vẫn đáp ứng đủ hàng. Trong trường hợp nhu cầu tăng lên quá cao trong một thời điểm thì ngày hôm sau khách hàng đều có hàng của các đơn hàng tiếp theo. Theo đánh giá của chúng tôi, nguồn cung hàng hóa hiện nay cho thị trường Hà Nội không thiếu. Các hệ thống tăng lên hàng dự trữ rất nhiều, khách hàng hoàn toàn yên tâm mua sắm không nên tích trữ quá nhiều”, ông Phong nói.
Về công tác phòng, chống dịch, ông Phong thông tin, BigC đã yêu cầu các lực lượng của siêu thị áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng dịch. Trong đó thực hiện thông suốt biện pháp 5K, sẵn sàng phương án phân luồng để lượng khách trong siêu thị không quá đông trong một thời điểm. Bên cạnh đó, BigC tiếp tục thúc đẩy kênh bán hàng Online trực tuyến để người dân có thể ở nhà mua hàng nếu ngại đến nơi đông người.
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc vận hành Vinmart miền Bắc cho biết, ngay từ đầu mùa dịch, đặc biệt trong đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, hệ thống VinMart/VinMart+ đã tăng cường chuẩn bị các kịch bản đảm bảo chuỗi cung ứng, ứng phó với mọi tình huống của dịch bệnh.
Riêng tại Hà Nội, Vinmart đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần nhằm đảm bảo bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy kệ tại tất cả các điểm bán.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. VinMart/VinMart+ luôn chủ động làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các địa phương nhằm giúp các xe chở hàng hóa, lương thực thiết yếu được lưu thông nhanh chóng. Tiếp đó, linh động xây dựng các phương án giao hàng tiện lợi nhanh chóng cho khách hàng như đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử, khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chị Tạ Bảo Hòa (Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) cho biết, chị không có cảm giác lo lắng và vội vã đi mua đồ. “Khi chính quyền đã ra Công điện, đồng nghĩa với việc đã lên kịch bản sẵn cho các trường hợp, sẽ có đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân. Mạng lưới bán hàng online rất phát triển, tôi thấy không nhất phải mua dự trữ. Hơn nữa, tôi thấy không nên mua đầu cơ tích trữ vì có thể tạo sự tăng giá. Thêm vào đó là ý thức san sẻ, lúc nào có thì cùng có với tất cả mọi người, mình không nên nghĩ mỗi gia đình mình”, chị Hòa nói.
Còn theo chị Nguyễn Minh Vân (Trung Hòa, Cầu Giấy): “Thực ra mình cũng không dự trữ gì, cho dù có thấy các bác lớn tuổi đi chợ đông hơn mọi ngày. Các siêu thị bây giờ thực phẩm tươi rất nhiều nên cần gì thì đi mua chứ không phải tích trữ. Mình chọn vào siêu thị mua để được đảm bảo về chất lượng và giá cả”.