Trong 4 tháng đầu năm tình hình giải ngân vốn đầu từ công trên địa bàn Hà Nội đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021, nhưng hiện vẫn chậm so với kế hoạch đã đề ra.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm vốn đầu tư được thực hiện từ ngân sách do Hà Nội quản lý ước tính đạt 3.287 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố thực hiện 1.446 tỷ đồng, tăng 1,9% và giảm 18,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp quận, huyện thực hiện 1.710 tỷ đồng, tăng 17,2% và tăng 34,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã, phường thực hiện 131 tỷ đồng, tăng 10,6% và giảm 12,5%.
Theo đó, tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện được 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 23,1% kế hoạch năm. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố thực hiện 5,5 nghìn tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước và đạt 25,6% kế hoạch năm; vốn ngân sách nhà nước cấp quận, huyện thực hiện 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,6% và đạt 20,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã, phường thực hiện 471 tỷ đồng, giảm 19,5% và đạt 29,5%.
Đặc biệt, dù đã nỗ lực, nhưng do nhiều nguyên nhân nên kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 toàn thành phố chỉ đạt 79,4% kế hoạch thành phố giao, đạt 87,7% kế hoạch Trung ương giao.
Theo đó UBND TP Hà Nội quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Thành phố phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022; hoàn thành giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, đảm bảo mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn theo đúng quy định pháp luật.
Nhằm khắc phục hạn chế yếu kém, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, gửi kế hoạch về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/4/2022.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân từng dự án theo từng ngành, lĩnh vực phụ trách, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án. Đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kịp thời báo cáo UBND thành phố đối với các nội dung vượt thẩm quyền.
Thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 là thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước 18,48%.
Theo đó, 6 Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…
Ngoài ra, 6 Tổ công tác sẽ xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương; trong đó, có trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác.
Bên cạnh đó, ráo riết đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khác đã có dự án và có nhu cầu bổ sung vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương tổng hợp bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 đối với các dự án ODA có đủ điều kiện, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 307/QĐ-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.