Sáng 1/2, Sở GTVT Hà Nội tổ chức khai trương thí điểm tuyến đường ưu tiên dành cho xe đạp ven sông Tô Lịch có chiều dài 2,3 km.
Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám Đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, thực hiện Nghị quyết số 48 của Chính phủ và kế hoạch số 235 của UBND TP Hà Nội về tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025.
Được sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội, Sở GTVT tổ chức khai trương tuyến đường ưu tiên dành cho xe đạp từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, dọc sông Tô Lịch có chiều dài 2,3 km.
"Đây là tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô nhằm tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung cũng như sử dụng phương tiện xe đạp công cộng nói riêng", ông Bảo nhấn mạnh.
Ông Bảo cho hay, để tạo thuận lợi cho người dân, tuyến đường ưu tiên dành cho xe đạp, Sở GTVT bố trí 7 trạm xe đạp công cộng kết nối với các tuyến buýt và 2 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông.
Theo ông Bảo, thời gian tới, Sở GTVT sẽ phối hợp với địa phương rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để tiếp tục tổ chức làn đường ưu tiên cho xe đạp, tạo thói quen cho người dân thủ đô sử dụng phương tiện công cộng, bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng nói chung nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên Thủ đô.
"Trước mắt chúng tôi ưu tiên các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn và các tuyến đường có làn đường dành cho xe thô sơ để ưu tiên xây dựng. Sau đó sẽ nhân rộng sang các tuyến đường khác đủ điều kiện về hạ tầng", ông Bảo nhấn mạnh.
Qua khảo sát, Sở GTVT đề xuất 2 tuyến, gồm tuyến dọc sông Tô Lịch và tiếp tục khảo sát xây dựng phương án, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư xung quanh công viên Hòa Bình để tiếp tục triển khai.
Ông Đỗ Bá Quân – Chủ tịch công ty Trí Nam, đơn vị triển khai dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự được phối hợp với Sở GTVT TP Hà Nội triển khai tuyến đường ưu tiên cho xe đạp. Đơn vị đã bố trí 100 xe trên 6 trạm dọc theo tuyến đường dành riêng cho xe đạp. Như vậy, với cả trạm được bố trí trước đó tại khu vực ga Láng, trên dọc tuyến đường đã có 7 trạm xe đạp. Những trạm này đều được bố trí ngay điểm dừng xe buýt và ga đường sắt trên cao”.
Theo ông Đỗ Bá Quân, qua thời gian đơn vị triển khai xe đạp công cộng, nhiều người dân đánh giá rất cao loại hình phương tiện này. Việc triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp sẽ ngày càng thu hút thêm nhiều người dân sử dụng xe đạp công cộng để đi lại.
Ông Quân thông tin thêm, đơn vị cũng đã có kế hoạch trong năm 2024 sẽ tiến hành trình UBND TP Hà Nội chấp thuận mở rộng các trạm xe đạp công cộng mở một số quận chưa có như Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm.
Chị Dương Thị Mai Phương (49 tuổi) trú tại Đống Đa, Hà Nội cho hay, chị thường xuyên di chuyển bằng xe đạp. Trước đây, khi chưa có làn đường ưu tiên dành cho xe đạp chị thường xuyên bị xe máy, ô tô chen sát vào lề mỗi khi đi làm. Đặc biệt, đường tắc thường xuyên chị phải ngửi mùi khói từ bô xe rất khó chịu.
“Tôi thấy Hà Nội làm làn đường ưu tiên cho xe đạp ven sông Tô Lịch phù hợp với nhu cầu của người dân hiện nay. Thời gian tới, tôi mong muốn Hà Nội mở rộng thêm nhiều tuyến đường dành riêng cho xe đạp. Tôi nghĩ, nếu Hà Nội làm được người dân nội thành sẽ dần dần sử dụng xe đạp nhiều hơn như ở nước ngoài”, chị Phương chia sẻ.