Trước thềm năm học mới 2022-2023, một trong những vấn đề trọng tâm được ngành giáo dục Thủ đô đặt ra đó là tìm giải pháp để giảm sĩ số học sinh/lớp, đảm bảo chất lượng học tập theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) là không quá 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học.
Thiếu đất xây dựng, mở rộng trường
Thống kê của Sở GDĐT, tính đến tháng 4/2022, toàn thành phố Hà Nội có 2.835 trường mầm non, phổ thông và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,2 triệu học sinh. Trong đó, số trường công lập là 2.237 trường, số trường thuộc trách nhiệm quản lý của thành phố là 123 trường.
Với dân số thành phố tăng nhanh, đặc biệt là tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận lõi, quận đang phát triển đã gây sức ép rất lớn cho các trường học, không bảo đảm yêu cầu quy mô trường, lớp để đạt chuẩn quốc gia. Thành phố hiện còn thiếu đất xây trường mới, để mở rộng trường bảo đảm diện tích đáp ứng quy định đạt chuẩn. Nhiều trường học thuộc trách nhiệm đầu tư của thành phố được xây dựng từ rất lâu, các hạng mục công trình, phòng học, phòng phụ trợ, trang thiết bị hàng năm được bổ sung rất ít; hầu hết tài sản, trang thiết bị đã hết khấu hao, không đáp ứng được quy định mới về chuẩn quốc gia….
Trưởng phòng GDĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, hàng năm, ngân sách của quận dành cho lĩnh vực GDĐT nói chung, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn chiếm tỷ lệ lớn. Không chỉ tập trung kinh phí, việc dành quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường, lớp học cũng được lãnh đạo quận quan tâm và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục nâng số trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, đặc điểm ở khu vực nội thành là đất chật, người đông, nên khó khăn của các trường trên địa bàn đó là thiếu quỹ đất xây dựng, mở rộng trường học. Đặc biệt là ở cấp tiểu học, để đạt chuẩn, quy định của điều lệ là không quá 35 học sinh/lớp, nhưng số học sinh trong độ tuổi tăng mạnh và nhiều trường diện tích hạn hẹp. Hầu hết các trường phải cải tạo, mở rộng diện tích sử dụng bằng cách nâng số tầng. Tuy nhiên, ông Hữu cũng đề xuất một khó khăn khác cần được tháo gỡ là theo quy định của Bộ GDĐT, để bảo đảm tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia, 1 trường tiểu học có tối đa 30 lớp, tương đương với 1.050 học sinh. Thực tế, khu vực nội thành khó khăn về quỹ đất, nên khó đáp ứng tiêu chuẩn số lớp/trường, càng khó có thể xây dựng thêm trường mới.
Trưởng phòng GDĐT quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho hay, thách thức lớn đối với công tác xây dựng trường chuẩn là trên địa bàn quận tập trung nhiều khu đô thị mới, dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến quy mô học sinh biến động lớn, nhưng việc mở rộng diện tích cho các trường học rất khó khăn.
Đây cũng là khó khăn của quận Cầu Giấy. Theo Trưởng phòng GDĐT quận Phạm Ngọc Anh, năm 2022, quận có 6 trường đến hạn đánh giá, kiểm tra, công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng có 1-2 trường không thể công nhận lại, vì không đáp ứng được tiêu chuẩn trường chuẩn về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp cũng ảnh hưởng đến việc công nhận trường chuẩn đối với các trường khu vực nội thành.
Chủ động các giải pháp
Trước khó khăn của các địa phương, thành phố Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp như hỗ trợ kinh phí cho một số đơn vị khó khăn, yêu cầu các đơn vị liên quan dành đất, ưu tiên cho xây dựng trường học... Tính chung trên toàn thành phố, tổng nhu cầu đầu tư trường học đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố là 59.265 tỷ đồng để thực hiện 157 dự án. Trong đó, đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư của cấp huyện có nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị là 50.738 tỷ đồng, các huyện, thị xã đã đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ 26.775 tỷ đồng.
Đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư của cấp thành phố (chủ yếu là trường THPT), số trường cần xây mới, cải tạo, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị để đề nghị công nhận mới và công nhận lại đạt chuẩn quốc gia là 123 trường; số trường cần xây dựng mới là 16 trường.
Về phía địa phương, nhiều đơn vị cũng chủ động các giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GDĐT quận Ba Đình cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXVI Đảng bộ quận Ba Đình (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu, xây dựng 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, trên cơ sở rà soát tất cả các trường trên địa bàn, UBND quận Ba Đình đã ban hành kế hoạch cải tạo, sửa chữa, xây mới, sáp nhập các trường học theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Lộ trình, kinh phí, các hạng mục đầu tư, giải pháp cho từng trường cũng được xác định rõ. Đặc biệt, việc dành quỹ đất để mở rộng, xây mới trường học được ưu tiên hàng đầu. Trên thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, quận Ba Đình đã tập trung cải tạo, mở rộng diện tích trường học nhằm đáp ứng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Hiện tại, toàn quận có 40/49 trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ gần 82%.
Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, để giải quyết bài toán quá tải trường học do số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh tăng mạnh (trung bình tăng 6.000 học sinh/năm), UBND quận đã ban hành kế hoạch định hướng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị có trọng điểm đối với các trường đang trong quá trình xây dựng chuẩn quốc gia và duy trì chất lượng trường đã đạt chuẩn. Trong năm 2021 và 2022, UBND quận đã dành 20 tỷ đồng hỗ trợ các trường xây dựng chuẩn và 11 tỷ đồng cho công tác chống xuống cấp trường học. Các giải pháp để giải quyết khó khăn về quỹ đất cũng đã cơ bản được giải quyết theo lộ trình…
Những quận trung tâm với quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng giáo dục gặp nhiều khó khăn là những thách thức đang đặt ra với ngành giáo dục Thủ đô. Không chỉ trông chờ vào chỉ đạo của thành phố, ngành GDĐT cũng cần tích cực tham mưu UBND quận, huyện trong việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để thực sự giảm tải sĩ số học sinh/lớp, từ đó đáp ứng chất lượng dạy và học, đặc biệt là trong điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.