Hà Nội với vai trò là Thủ đô, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước đang ngày một nỗ lực vươn mình, phát huy được bản lĩnh, khí phách của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
1.Nghị quyết Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô trong khoảng 25 năm tới. Đó là đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của Thủ đô.
Hà Nội tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; phát triển mạnh hạ tầng số, công nghệ thông tin, dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Ngoài ra, Hà Nội quan tâm đến việc khai thác, phát huy tối đa tài nguyên, chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô bền vững.
2.Soi chiếu vào thực tế, những chuyển mình của Hà Nội thời gian qua là điều ai cũng có thể nhận ra, chiêm nghiệm. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, hạ tầng giao thông Hà Nội thật sự là bước đột phá nếu nhìn ngược về cuối thế kỷ XX. Chất lượng sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể. Nhiều chính sách được áp dụng vào cuộc sống, mang lại những thay đổi căn bản trong thủ tục hành chính.
Các số liệu mà Cục Thống kê thành phố Hà Nội đưa ra gần đây cũng cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội trong 9 tháng năm 2023 tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,93%; quý III tăng 6,49%).
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn về đầu ra, thị trường xuất khẩu bị hạn chế nhưng kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng khá, với xu hướng cải thiện qua từng quý. Rõ ràng, đó là điều đáng khích lệ, thể hiện sức vươn của thành phố.
Khu vực dịch vụ 9 tháng năm nay tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,72%; quý II tăng 6,57%; quý III tăng 7,34%), đóng góp 4,73% vào mức tăng GRDP. Trong đó, một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp cao vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế là: Bán buôn, bán lẻ tăng 9,03%; tài chính - ngân hàng, bảo hiểm tăng 8,17%; vận tải, kho bãi tăng 8,78%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 20,52%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 12,14%.
Trong khi đó, ngành giáo dục và đào tạo tăng 6,66%; khoa học và công nghệ tăng 6,33%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 5,12%...
Khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2023 tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 2,38%; quý II tăng 5,69%; quý III tăng 5,21%), đóng góp 0,96% vào mức tăng GRDP. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 3,93% (ngành chế biến chế tạo tăng 3,55%; sản xuất phân phối điện tăng 7,92%; cung cấp nước và xử lý, nước thải tăng 7,15%). Ngành xây dựng tăng 5,75%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng qua tăng 2,5% so với cùng kỳ, đóng góp 0,05% vào mức tăng GRDP.
3.Một trong những dấu ấn dễ nhận thấy là sự phục hồi của du lịch Thủ đô. Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng chung với nhiều tỉnh, thành phố vì đại dịch Covid-19, Hà Nội đã mở cửa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Với vai trò, vị trí cũng như lợi thế của mình, Hà Nội đã đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mởi mẻ, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đã có, đồng thời quan tâm, đầu tư vào những điểm đến vốn được du khách quan tâm.
Mới đây, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức chương trình Festival Thu Hà Nội năm 2023 với chủ đề "Thu Hà Nội - Đến để yêu" nhằm quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch mùa thu Hà Nội, đã thu hút hơn 80.000 du khách đến với Thủ đô.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,9 triệu lượt khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa ước đạt 15,7 triệu lượt khách, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón trên 22 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế và 19 triệu lượt khách nội địa. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Thủ đô đã vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành du lịch đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Phát triển các điểm đến, xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, hấp dẫn thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá đã giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách. Hà Nội tiếp tục được công nhận Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023.
4.Hơn bao giờ hết, Hà Nội đang hiện thực hóa "khát vọng hóa rồng". Có thể nói, sau 2 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XVII một cách chủ động, bài bản, nghiêm túc, sáng tạo, bức tranh kinh tế - xã hội và văn hóa Thủ đô đã khởi sắc, diện mạo đô thị xanh, sạch, đẹp hơn. Hà Nội đang trở thành thành phố đáng sống.
Nhiều người đang chờ đón những bước tiến mới của Thủ đô, trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, được kỳ vọng tạo không gian phát triển mới mang tính chiến lược, giải quyết một số tồn tại hiện nay của Thủ đô; khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Đồng thời, đây cũng được ví như “siêu dự án” tạo động lực mới cho các địa phương Vùng Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 của 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì.
Công tác cải cách hành chính được nâng cao, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Hà Nội (Chỉ số PAPI) có sự cải thiện nhanh (tăng 39 bậc so với năm trước); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS) tăng 3 bậc.