Mấy ngày qua, việc Công ty Tango Candy với 100% vốn Nhật Bản (thuộc Khu công nghiệp Tân Đức, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) không chấp nhận mức phí duy tu bảo trì cơ sở hạ tầng mà Khu công nghiệp Tân Đức (KCN) đưa ra đang thu hút sự chú ý của dư luận. Điều đáng nói, mức phí này là thỏa thuận nội bộ giữa doanh nghiệp và khu công nghiệp nên khi cả 2 bất đồng, việc giải quyết là rất khó khăn.
Công ty Tango Candy và khu công nghiệp Tân Đức đang bất đồng về mức phí hạ tầng.
Đại diện KCN Tân Đức cho biết, khu công nghiệp này bắt đầu được hình thành và hoàn thiện hạ tầng vào năm 2006. Từ đó đến năm 2008, rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã làm hợp đồng thuê đất để sử dụng sản xuất tại khu công nghiệp, trong đó có công ty Tango Candy. Năm 2009, được sự đồng ý của Ban quản lý các khu công nghiệp Long An, KCN Tân Đức đưa ra mức chi phí bảo trì cơ sở hạ tầng là 10.018 đồng/m2/năm và bắt đầu thu phí vào năm 2013. Từ đó đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều đã chấp hành, chi trả phí đầy đủ để hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, công ty Tango Candy, diện tích 10.000 m2, làm nghề sản xuất bánh kẹo lại không chấp hành, với nhiều lý do khác nhau. Hậu quả của việc này, ngày 25/3 vừa qua, KCN Tân Đức quyết định dựng rào chắn, lấp đất trước lối vào của Công ty Tango Candy đồng thời cắt điện, nguồn nước để gây áp lực, đòi lại khoản tiền chi phí mà doanh nghiệp chưa chi trả.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, hành động này của KCN Tân Đức là “không đẹp”, trái ngược với những chủ trương đãi ngộ các doanh nghiệp nước ngoài của Chính phủ.
Lý giải về điều này, ông Trần Dương, Giám đốc truyền thông, đại diện KCN Tân Đức cho biết, trong thời gian từ năm 2013 đến nay, khi phía Tango Candy không đóng mức phí bảo trì cơ sở hạ tầng thì KCN Tân Đức phải liên tục bù lỗ, chi trước tiền để duy tu, bảo dưỡng và đóng thuế theo quy định của Nhà nước. Do nhiều năm, khoản tiền này rất lớn, quá sức chịu đựng của KCN Tân Đức nên đơn vị này bắt buộc phải có hành động mạnh mẽ gây ức chế như trên.
Trong khi đó, đại diện của phía Công ty Tango Candy cho rằng, mức phí 10.018 đồng/m2/năm là không hợp lý và công ty này chỉ chấp nhận đóng mức phí là 8,5 nghìn đồng/m2/năm.
Ngoài ra, còn một trong những bất đồng giữa 2 bên là do doanh nghiệp Tango Candy nhiều năm không đóng phí nên cả số tiền gốc và lãi đều tăng cao. Tất cả thiệt hại này, KCN Tân Đức yêu cầu doanh nghiệp của Nhật Bản phải bồi thường khiến bất đồng giữa hai bên càng thêm khó giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, trong sự việc phát sinh mâu thuẫn giữa đại diện khu công nghiệp và công ty hoạt động trong khu công nghiệp, tỉnh đã cử lực lượng công an tại địa phương tới để ổn định tình hình an ninh trật tự.
Ngoài ra, việc thống nhất mức phí duy tu bảo trì là do thỏa thuận nội bộ giữa doanh nghiệp và khu công nghiệp, cơ quan chức năng không thể can thiệp. Nếu có, tỉnh chỉ làm trung gian hòa giải giữa hai bên mà thôi.
Hiện nay, KCN Tân Đức đã dỡ bỏ rào chắn, cung cấp điện nước nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được mức phí. Hơn nữa, KCN Tân Đức đã quyết định kiện Công ty Tago Candy ra tòa để đòi lại số tiền chi phí trên.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tiều, Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp Long An, thời gian qua đã có nhiều bất đồng liên quan đến mức phí duy tu bảo trì. Cụ thể, mức phí mà Khu công nghiệp đưa ra có sự chênh lệch so với mức phí mà các doanh nghiệp yêu cầu, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài.