Kinh tế

Hạ tầng logistics chậm bắt nhịp nhu cầu

Thanh Giang 19/11/2024 11:53

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất quan tâm đến thị trường logistics Việt Nam vì đây là trung tâm sản xuất của châu Á, nhu cầu nội địa cao. Thế nhưng, kết cấu hạ tầng logistics của TPHCM lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

anhbaitren(1).jpg
TPHCM cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics.

Nhiều hạn chế

Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ rõ, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines). Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước.

Ông Phạm Thanh Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Tân cảng Hiệp Phước cho rằng, lộ thông - tiền thông, hạ tầng logistics rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng. TPHCM có gần 7.000 DN logistics, chiếm khoảng 37% tổng số DN logistics của cả nước. Các DN thành phố có những cơ hội cho chuỗi cung ứng như: Khu bến Hiệp Phước tàu tải trọng đến 70.000 DWT; khu bến Nhà Bè tàu tải trọng đến 45.000 DWT. Bên cạnh đó, dự kiến đường vành đai 3 sẽ thúc đẩy hoạt động vận tải và kết nối liên vùng giữa các cảng thành phố giúp giảm thời gian và chi phí logistics cho DN.

Mặc dù logistics TPHCM được đánh giá cao về tiềm năng phát triển, song vẫn tồn tại khá nhiều bất cập. Theo đánh giá của các DN, hoạt động của ngành logistics chưa xứng tầm với tiềm năng phát triển. Đơn cử, hệ thống cảng biển như Cát Lái và Nhà Bè... tuy đạt sản lượng lớn nhưng vẫn bị giới hạn bởi sự kết nối chưa liền mạch giữa các khu vực kinh tế trọng điểm như Long An, Tây Ninh. Các DN cũng gặp những thách thức cho chuỗi cung ứng khi TPHCM chưa có hệ thống đường sắt kết nối với cảng biển; tuyến luồng chưa đáp ứng đủ độ sâu, việc duy tu nạo vét chưa định kỳ.

Ông Trần Anh Đức - đồng Trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại của Diễn đàn DN Việt Nam cho rằng, cộng đồng DN nước ngoài rất quan tâm đến thị trường logistics Việt Nam vì đây là trung tâm sản xuất của châu Á, nhu cầu nội địa cao. Thế nhưng, kết cấu hạ tầng của đầu tàu kinh tế lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, đường vào cảng Cát Lái, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thương xuyên kẹt, và TPHCM cũng chưa có trung tâm logistics quy mô lớn.

Nhanh chóng gỡ điểm nghẽn

Cộng đồng DN quan ngại, với tình hình đầu tư hạ tầng hiện tại, giải ngân đầu tư công thành phối chỉ đạt khoảng 22% kế hoạch trong 10 tháng đầu năm 2024, nhiều điểm nghẽn giao thông vẫn chưa được gỡ bỏ, gây nhiều khó khăn trong phát triển logistics. Vì hạ tầng cảng biển, kho bãi hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nên chi phí logistics luôn ở mức cao. Diễn đàn DN Việt Nam cho rằng, chi phí logistics ở Việt Nam khoản 25% GDP, chiếm 30 - 35% giá thành sản phẩm, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới khoảng 10 - 12% .

Không ít DN đề xuất, cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng logistics như đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt kết nối cụm cảng Cát Lái với ga Sóng Thần; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các trung tâm logistics đã được quy hoạch trên địa bàn; quy hoạch phát triển các bến thủy, tăng tính kết nối với cảng feeder tại thành phố, thúc đẩy vận tải xanh; phát triển đồng bộ hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng giao thông và hạ tầng số…

Bà Võ Thị Phương Lan - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận vận tải Mỹ Á cho biết, để đáp ứng nhu cầu kết nối và vận hành hiệu quả chuỗi cung ứng này, việc nâng cấp và tối ưu hóa hệ thống hạ tầng logistics đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho DN Việt Nam, đặc biệt các vấn đề về chi phí về đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, thành phố xác định ngành logistics là ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Thành phố đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua số liệu tổng hợp cho thấy, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố năm 2023 đạt xấp xỉ 8,51%, quy mô đóng góp gần 140 nghìn tỷ đồng. TPHCM đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong các kế hoạch 5 năm và hàng năm phát triển ngành logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạ tầng logistics chậm bắt nhịp nhu cầu