Trao đổi với người dân, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Đặng Trần Phong chia sẻ với những khó khăn của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên các nội dung liên quan đến dự án, Hội đồng bồi thường phải làm theo đúng quy định pháp luật.
Chiều 29/6, UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tổ chức đối thoại với các hộ dân của xã Kim Song Trường liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Bắc - Nam.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Can Lộc có chiều dài 19,4 km qua 9 xã, thị trấn. Để phục vụ dự án, huyện Can Lộc cần bàn giao 198,47 ha đất các loại với 2.171 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, có 1.886 hộ có đất sản xuất nông nghiệp, 285 hộ có đất ở và tải sản trên đất (140 hộ tái định cư, 145 hộ không phải tái định cư) và 778 ngôi mộ phải di dời.
Theo báo cáo của UBND huyện Can Lộc, đến nay, các hộ dân bị ảnh hưởng đất nông nghiệp đã nhận tiền đền bù; 199 hộ nhận tiền đền bù, đồng thuận để di dời khu tái định cư.
Tuy nhiên, hiện còn có 86 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, trong đó tại xã Kim Song Trường còn một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù và băn khoăn đến công tác đền bù, GPMB, tái định cư.
Để tìm được tiếng nói chung, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về dự án trọng điểm quốc gia và bàn giao mặt bằng đúng thời hạn quy định, ông Đặng Trần Phong - Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Can Lộc tổ chức đối thoại với các hộ dân xã Kim Song Trường.
Tại buổi đối thoại, với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, hầu hết người dân đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, một số hộ trực tiếp ảnh hưởng dự án cho rằng, giá thu hồi đất nông nghiệp thấp nhưng giá đất tái định cư cao khiến người dân thiệt thòi; có sự chênh lệch về giá đền bù giữa các hộ trên cùng một khu vực; công tác tổ chức tái định cư…
Trước những thắc mắc của người dân, ông Trần Đình Việt, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, GPMB huyện Can Lộc cho biết, công tác bồi thường, GPMB được huyện thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định 08 của UBND tỉnh và đã phô tô các hồ sơ liên quan gửi cho người dân để đối chiếu, giám sát.
Việc áp giá đền bù không phải do huyện tự đặt ra mà thuê đơn vị tư vấn độc lập của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để xây dựng giá đền bù, bồi thường, GPMB. Đơn vị này xây dựng giá cho toàn tỉnh chứ không riêng gì huyện Can Lộc.
Đối với việc áp giá bồi thường, Hội đồng áp giá theo quy định pháp luật, sau khi áp giá niêm yết công khai tại UBND xã, nhà văn hóa thôn để người dân tiện theo dõi, giám sát.
“Sở dĩ giá bồi thường không giống nhau vì tài sản, cây cối hình thành không cùng một thời gian. Nếu người dân phát hiện cây cối, tài sản chưa kiểm đếm đề nghị báo với Hội đồng bồi thường GPMB để tiếp tục kiểm đếm, giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân”, ông Việt nói.
Trao đổi với người dân, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Đặng Trần Phong chia sẻ với những khó khăn của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên các nội dung liên quan đến dự án, Hội đồng bồi thường phải làm theo đúng quy định pháp luật.
Đối với các kiến nghị của bà con, huyện tiếp tục ghi nhận và chỉ đạo các Tổ công tác trong Hội đồng xuống từng nhà, không kể ngày hay đêm để giải quyết thỏa đáng thắc mắc của bà con.
“Khu tái định cư đẹp hơn nơi ở cũ là điều thấy rõ ràng. Cho nên giá cả có sự chênh lệch cũng là điều dễ hiểu, bà con cần xem xét 2 mặt của vấn đề để góp sức cùng chính quyền sớm bàn giao mặt bằng cho dự án, chung tay vì sự phát triển chung”, ông Phong nói.
Ông Đặng Trần Phong cũng thông tin, các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam ở xã Kim Song Trường được mượn nhà cũ trong vòng 4 đến 5 tháng trong thời gian xây dựng nhà mới ở khu tái định cư nên người dân nên tranh thủ thời gian này nhận đền bù, làm nhà thuận lợi, đỡ chi phí thuê mượn, di chuyển trong thời điểm xây dựng nhà mới.
“Từ trong kháng chiến Nhân dân Can Lộc luôn có truyền thống gương mẫu đi đầu với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đến thời bình truyền thống tốt đẹp đó được bà con phát huy cao độ. Nay trong công tác đền bù, GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam, chúng tôi rất mong bà con đồng thuận, vì lợi ích của bà con”, ông Phong nói.
Tại diễn đàn này, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Kim Song Trường tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân sớm đồng thuận thực hiện dự án.
Đối với một số nội dung khác người dân đề xuất ngoài thẩm quyền quyết định của huyện thì huyện sẽ tổng hợp trình lãnh đạo tỉnh xem xét, giải quyết.