Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 17 vào ngày 16/7, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh Hồ Huy Thành nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu liên quan đến vật liệu xây dựng (VLXD). Giá cả VLXD tăng cao và khan hiếm, mất cân đối cung - cầu rất lớn nhưng giải pháp tháo gỡ khó khăn vẫn đang tù mù.
Ông Hồ Huy Thành đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên và nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu.
Tại Hà Tĩnh, đầu năm đến nay xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu VLXD, nhất là cát xây dựng. Hiện gần 95% đơn vị khai thác cát đang phải tạm dừng hoạt động để đầu tư thiết bị mới, thay đổi phương án khai thác theo hồ sơ thiết kế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn.
Theo ông Hồ Huy Thành, tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh Hà Tĩnh triển khai cấp phép cho 13 mỏ đất san lấp với diện tích 116 ha, tổng công suất khoảng 1,3 triệu tấn/năm; cấp 10 mỏ cát, diện tích 27 ha với tổng công suất 103 ngàn m3/năm.
Theo quy hoạch mỏ VLXD trên địa bàn, dự báo năm 2020 toàn tỉnh cần khoảng 3 triệu m3 cát/năm và 4 triệu m3 đất san lấp/năm. Như vậy, việc cấp phép thời gian qua đối với cát xây dựng mới chỉ đáp ứng được 3,5%; đất san lấp đáp ứng được 32% nhu cầu.
Theo ông Thành, sở dĩ xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu VLXD là do việc cấp phép chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để cấp phép hoạt động. Sự thay đổi quy hoạch kinh tế - xã hội thời gian qua. Ảnh hưởng của các công trình xây dựng mới, dày đặc. Bên cạnh đó, việc hoạt động khai thác VLXD trái phép được cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn nhưng cũng là một tác nhân gây nên hệ lụy nguồn cung giảm.
Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu (tổ đại biểu huyện Nghi Xuân) phân tích, thời gian vừa qua việc cấp phép khai thác đất, cát không đảm bảo yêu cầu, quy hoạch không được sự đồng ý của dân, đấu giá không ai mua dẫn đến thiếu đất cát nghiêm trọng, giá cả tăng vọt. Nhiều công trình dự án phải dừng xây dựng, nguồn cát phải dựa vào Quảng Bình, Nghệ An và vô lý nhất là dựa vào cát “lậu”. Vậy lỗi này do sự điều hành của UBND tỉnh hay do tham mưu của Sở TNMT?.
Ông Hồ Huy Thành thừa nhận, có việc tính toán trữ lượng mỏ thiếu chính xác nên xảy ra tình trạng thừa - thiếu VLXD. Ngoài ra, sự thay đổi quy hoạch KT-XH thời gian qua; ảnh hưởng của các công trình xây dựng mới và cơ quan chức năng siết chặt hoạt động khai thác của mỏ đất, cát “lậu” cũng là một trong những tác nhân gây nên hệ lụy nguồn cung giảm (!).
“Sau 2 tháng Công an tỉnh và Sở TNMT ra quân truy quét, mỏ đất cát “lậu” cơ bản được ngăn chặn. Tuy nhiên, thời gian này ở một số địa phương bắt đầu xuất hiện các trường hợp vi phạm trở lại”, ông Thành nói.
Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu “phê bình” Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh Hồ Huy Thành trả lời vòng vo, thiếu trọng tâm.
Trước những câu trả lời của ông Hồ Huy Thành, Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu đã thẳng thắn “phê bình” vị Giám đốc Sở TNMT trả lời vòng vo, thiếu trọng tâm, chưa đáp ứng được những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân và cử tri. “Tôi nêu câu hỏi rất rõ nhưng trả lời như Giám đốc Sở TNMT thì chất lượng phiên chất vấn không có và cũng không thể thỏa mãn được vấn đề cử tri quan tâm”.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn tiếp lời: “Chúng ta phải thừa nhận đã buông lỏng quản lý, có tình trạng quy hoạch mỏ không phù hợp. Nơi cấp mỏ thì không khai thác mà đi khai thác lậu. Đến khi Công an “chặn” nguồn cát lậu thì thiếu cát, giá tăng đột biến ngay”.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu Sở TNMT phải tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh quy hoạch, quản lý thực trạng trên, còn như hiện nay, xây một căn nhà mà cát đội giá lên hai ba lần, như thế chỉ làm tội dân.