Hai điểm nghẽn trong xây dựng cao tốc

Bắc Phong 13/02/2023 08:00

X ây dựng hệ thống đường cao tốc không chỉ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, mà ngay đến đất đắp nền, cát và đá xây dựng cũng gặp khó. Thực tế thì nguồn vật liệu đất đá, cát san lấp không thiếu nhưng thiếu cơ chế khai thác kỹ thuật để đảm bảo không gây sạt lở về sau. Nhưng quan trọng hơn là việc các địa phương không dám quyết bởi sợ sai, sợ trách nhiệm và các chủ mỏ tìm cách ép giá, nâng giá.

Theo Bộ Giao thông vận tải, 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có nhu cầu khoảng 17,1 triệu m3 đá; 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp nền. Tuy nhiên, khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án. Cụ thể, còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 đá; 3 triệu m3 cát và khoảng 1,9 triệu m3 đất đắp nền. Với cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, tổng nhu cầu khoảng 1,37 triệu m3 đá các loại và khoảng 1,7 triệu m3 đất đắp. Nhưng riêng lượng cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3 (phải thi công trong 18 tháng để chờ lún) vẫn thiếu.

Ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết trữ lượng vật liệu để làm đường cao tốc không thiếu. Cần sớm nâng công suất các mỏ đang khai thác và đẩy nhanh thủ tục để khai thác mỏ mới phục vụ cho yêu cầu.

Việc thiếu đất đá, cát đắp nền xây dựng cao tốc không phải bây giờ mới diễn ra. Vào tháng 3/2022, chủ đầu tư và Ban quản lý dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn đi qua Thừa Thiên Huế cũng đã “kêu” thiếu nguồn đất nền nên việc điều phối nguồn đất giữa các gói thầu trên tuyến khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ. Vì thế, cực chẳng đã, nhà thầu phải đi mua đất trên thị trường để thi công.

Còn tại Quảng Nam, tháng 11/2022, hàng loạt dự án giao thông phải tạm dừng do thiếu vật liệu đắp nền. Đơn vị thi công cho biết, các chủ mỏ đất yêu cầu phải trả tiền trước khi lấy đất, trong khi phải chờ 3 - 4 tháng chủ đầu tư mới giải ngân vốn. Để có đất phục vụ công việc, đơn vị thi công phải “bỏ tiền túi” ra để mua đất. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có tới 238 điểm mỏ vật liệu san lấp, với trữ lượng 113 triệu m3, nhưng nhiều mỏ lại chưa đưa vào khai thác khiến nguồn cung vật liệu san lắp cho các công trình trọng điểm trở nên khan hiếm.

Mới đây, ngày 10/2/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 741 gửi các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải cùng 27 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường cung cấp cho các dự án cao tốc. Theo đó, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có liên quan rà soát các khu vực chưa cấp phép để cấp phép khai thác, nâng công suất các mỏ đã cấp phép khai thác.

“Các địa phương phải công bố giá vật liệu xây dựng, giá cước vận chuyển để lập và quản lý chi phí xây dựng. Thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân găm hàng, ép giá đối với nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án”- Công văn của Chính phủ nêu rõ.

Trước đó, ngày 21/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi Bộ Giao thông vận tải; các tập đoàn Điện lực, Bưu chính viễn thông, Công nghiệp - Viễn thông quân đội cùng nhiều UBND tỉnh, thành phố để bảo đảm tiến độ xây dựng đường cao tốc cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu, đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công Dự án. Thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tùy tiện nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng. “Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm bàn giao mặt bằng và hoàn thành xử lý vướng mắc về mỏ vật liệu đất đắp nền đường làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án” - Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Như vậy xử lý điểm nghẽn đất nền trong xây dựng cao tốc đã được Chính phủ chỉ đạo từ sớm, và cũng không chỉ một lần. Vậy nhưng vẫn ách tắc. Phải chăng các địa phương liên quan đã cạn kiệt nguyên liệu phục vụ công việc này? Hay là vướng gì ở các thủ tục mở mỏ? Nhiều ý kiến cho rằng ách tắc đến từ hai điểm chính. Một là các chủ mỏ gây sức ép đối với nhà thầu để nâng giá vật liệu. Hai là lãnh đạo địa phương sợ sai, sợ trách nhiệm không dám quyết việc mở và khai thác mỏ đất đá.

Các tuyến cao tốc, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội đất nước. Chỉ vì quyền lợi cục bộ mà làm việc xây dựng cao tốc bị chậm trễ trách nhiệm sẽ rất lớn. Ở đây, việc kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm rất quan trọng. Chỉ có như vậy mới tháo được các điểm nghẽn, để đất nước sớm có được hệ thống giao thông hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai điểm nghẽn trong xây dựng cao tốc