Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có báo cáo Chính phủ về tiến độ giải phóng mặt bằng, tình hình thi công hai Dự án đường Vành đai 3 TP HCM và đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội.
Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài hơn 112km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án được đề ra mốc tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Theo báo cáo của Bộ GTVT đối với dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đã bàn giao mặt bằng được 88,87/108,1 km (đạt 82%), tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công 74/108,1 km (đạt 68,5%).
Cụ thể, thành phố Hà Nội bàn giao 47,17/58,2km (đạt 81%), Hưng Yên bàn giao 16,1/19,3km (đạt 83,4%) và Bắc Ninh đã bàn giao 25,6/30,6km (đạt 83,6%).
Đối với công tác xây lắp, Dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng đường đô thị với chiều dài 58,2km do thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản và được khởi công ngày 25/6/2023, nhà thầu mới huy động máy móc thiết bị, dọn dẹp mặt bằng, làm đường công vụ, thiết kế bản vẽ thi công.
Dự án thành phần 2.2 đầu tư xây dựng đường đô thị có chiều dài 19,3km do tỉnh Hưng Yên làm cơ quan chủ quản và Dự án thành phần 2.3 đầu tư xây dựng đường đô thị dài khoảng 35,3km do tỉnh Bắc Ninh làm cơ quan chủ quản đang tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc chiều dài khoảng 112,8km theo phương thức đối tác công-tư (PPP), thành phố Hà Nội đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, phê duyệt.
Về nhu cầu vật liệu của dự án, tổng nhu cầu vật liệu đất đắp nền khoảng 5,22 triệu m3 và 7,1 triệu m3 cát đã khảo sát xác định đủ nguồn cung cấp từ 57 mỏ tại địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ.
Để đáp ứng theo tiến độ dự án, Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư cần sớm làm việc với các địa phương để triển khai các thủ tục khai thác.
Dự án đường Vành đai 3 TP HCM có chiều dài khoảng 76,34 km (TP HCM 47,11km, Đồng Nai 11,26km, Bình Dương 11,43km, Long An 6,54 km), sơ bộ tổng mức đầu tư 68.728 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 2025 và khai thác 2026.
Dự án đường Vành đai 3 TP HCM đi qua 4 tỉnh/thành phố gồm TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương làm cơ quan chủ quản và được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công bao gồm 4 dự án thành phần xây dựng và 4 dự án thành phần giải phóng mặt bằng.
Hiện, dự án đã bàn giao mặt bằng được 58,4/76,34 km (đạt 77%).
Cụ thể: Dự án thành phần 1 (TP HCM làm cơ quan chủ quản) đã bàn giao được 44,1/47,1km (đạt 93%); Dự án thành phần 3 (tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản) mới bàn giao 1/11,3km (đạt 9%); Dự án thành phần 5 (do tỉnh Bình Dương làm cơ quan chủ quản) bàn giao 7/11,3km (đạt 62%); Dự án thành phần 7 (do tỉnh Long An làm cơ quan chủ quản) bàn giao 6,2/6,4km (đạt 98%).
Hiện nay, dự án đã triển khai thi công 9/22 gói thầu gồm 4/10 gói thầu thuộc dự án thành phần 1; 2/4 gói thầu thuộc dự án thành phần 5 và 3/3 gói thầu thuộc dự án thành phần 7.
Các nhà thầu mới huy động máy móc thiết bị, dọn dẹp mặt bằng, lán trại, đường công vụ, vét hữu cơ, lập thiết kế bản vẽ thi công. Riêng Dự án thành phần 3 qua Đồng Nai chưa lựa chọn nhà thầu để tổ chức triển khai thi công.
Về nhu cầu vật liệu của dự án cho thấy, tổng vật liệu khoảng 1,6 triệu m3 đất; 7,2 triệu m3 cát đắp; 1,5 triệu m3 cát xây dựng; 4,4 triệu m3 đá.
Ủy ban Nhân dân TP HCM với vai trò tổng thể đã thành lập Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Đến nay, nhu cầu vật liệu đất đắp, đá đã xác định đủ nguồn cung.
“Riêng nhu cầu cát đắp nền và cát xây dựng mới xác định nguồn cung đáp ứng 80% nhu cầu, cần tiếp tục phối hợp với các tỉnh trong khu vực để rà soát, điều phối nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ dự án”, Bộ GTVT thông tin.