Theo đó, Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam đã tài trợ 1 tỷ đồng để khôi phục lại nghi môn di tích quốc gia đền An Liệt ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà (Hải Dương).
Sáng 9/4, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà (Hải Dương) tổ chức lễ động thổ tu bổ, tôn tạo nghi môn di tích quốc gia đền An Liệt.
Tại lễ động thổ, Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam đã trao biểu trưng tài trợ 1 tỷ đồng khôi phục nghi môn đền. Thiết kế nghi môn đền An Liệt có kiến trúc theo nguyên mẫu trước đây cũ.
Trước đó, ngày 26/3, Báo Đại Đoàn Kết có đăng bài viết “Báo động tình trạng “xâm hại” di tích lịch sử” phản ánh về một số di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang bị “xâm hại”. Trong đó có việc cổng đền An Liệt ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà bị dỡ bỏ hoàn toàn trong quá trình trùng tu, sửa chữa.
Theo đó, đền An Liệt được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1995. Qua thời gian, đền xuống cấp nên nhân dân địa phương và xã Thanh Hải đề xuất trùng tu lại di tích. Việc trùng tu di tích được Bộ Văn hoá cho phép.
Năm 2019, di tích được trùng tu hậu cung, gian trung từ, khu vực sân. Tuy nhiên phần cổng đền cổ kính có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử và kiến trúc đã bị địa phương này phá bỏ hoàn toàn. Sau đó, cánh cổng sắt được dựng lên thay thế cho đến tận ngày nay.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 3.199 di tích, trong đó có 4 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 142 di tích cấp quốc gia, 255 di tích cấp tỉnh... Từ năm 2017 đến hết năm 2021, có 182 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo ở nhiều mức độ khác nhau. Theo rà soát của UBND cấp huyện, mỗi nơi có từ 5-7 di tích đã được xếp hạng (tống số khoảng 70-80 di tích) đang xuống cấp, cần được tu sửa cấp thiết. Tuy nhiên, nguồn kinh phí sự nghiệp của tỉnh hằng năm cấp chỉ đủ hỗ trợ từ 12-15 di tích. Hiện toàn tỉnh Hải Dương có 24 di tích cần được hỗ trợ kinh phí để tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp trong năm nay.
Sau khi các cơ quan báo chí phản ảnh về tình trạng một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị xuống cấp, “xâm hại”, ngày 31/3, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương đã làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích nhấn mạnh, hiện nhiều công trình xuống cấp, việc tôn tạo chưa xứng với tầm vóc di tích. Số lượng di tích chưa xếp hạng còn lớn; năng lực của đội ngũ làm văn hóa cơ sở còn hạn chế; nguồn lực về kinh phí để tu bổ còn ít; một số quy định, mô hình quản lý chưa thống nhất; hoạt động quản lý di tích chưa gắn nhiều với hoạt động du lịch...
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về di sản văn hóa để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ, phát huy các giá trị di tích; tăng cường đầu tư nguồn vốn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp chính quyền cơ sở trong việc tăng cường nắm bắt thông tin, quản lý địa bàn để chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích tại địa phương...
Bên cạnh đó, sở cũng đề nghị với ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tích cực hơn nữa trong việc tham mưu tu bổ, tôn tạo, gắn với phát huy giá trị di tích. Báo cáo kiến nghị trung ương xem xét chỉnh sửa bổ sung Luật Di sản văn hóa để quản lý chặt chẽ các di tích. Chủ động hơn trong tham mưu tu bổ, tôn tạo di tích theo hướng phân loại, rà soát di tích nào cần tu bổ, trùng tu cấp bách…