Tại hội nghị lần thứ 48 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng khẳng định không có vùng cấm, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm liên quan đến Công ty Việt Á.
Sáng 21/12, tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị lần thứ 48 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nghe Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh báo cáo về tình hình công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã khẳng định sai phạm của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh (CDC) Phạm Duy Tuyến là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chỉ đạo quản lý, giám sát, phòng ngừa tham nhũng, nhất là trong công tác mua sắm, thanh quyết toán phục vụ phòng chống dịch. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả, ổn định tình hình, bảo đảm công tác phòng chống dịch hiệu quả; chỉ đạo, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm các quy định và không có vùng cấm.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các Sở Y tế, Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan và lãnh đạo các cơ quan khi xảy ra sự việc tại CDC tỉnh; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra Bộ Công an.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hải Dương hướng dẫn Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh tiến hành đình chỉ sinh hoạt Đảng với đồng chí Phạm Duy Tuyến; thành lập đoàn kiểm tra các cấp để kiểm tra vi phạm của đồng chí Phạm Duy Tuyến trong tháng 12 này.
UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương củng cố hoạt động của CDC tỉnh, sớm kiện toàn chức danh Giám đốc CDC tỉnh; chỉ đạo các sở liên quan tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung mua sắm bộ xét nghiệm, sinh phẩm, hóa chất, thiết bị... theo đúng quy định. Việc điều tiết, phân bổ sử dụng bộ xét nghiệm, thiết bị y tế phải căn cứ đúng thực tiễn dịch bệnh ở từng địa phương, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng yêu cầu toàn tỉnh tiếp tục kiên trì tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" để đạt được mục tiêu kép năm 2022. Đồng thời thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng chống dịch.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức đấu tranh chuyên án đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh Bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là Kit xét nghiệm Covid-19) xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.
Ngày 10/12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 8 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập, ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan.
Đến ngày 17/12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng, trong đó có 5 đối tượng thuộc Công ty Việt Á; Giám đốc Phạm Duy Tuyến và Nguyễn Mạnh Cường kế toán trưởng CDC Hải Dương.
Đến nay, bước đầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Phan Quốc Việt đã chi phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.