Tới nay, trong cuộc chiến chống Covid-19, dù nhiều nước đã tiêm chủng vaccine nhưng tình hình vẫn gay go. Nhất là với Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới thì tình hình hết sức căng thẳng. Ở gần ta hơn là Thái Lan, Campuchia, Lào, Covid-19 cũng đang gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế cũng như đời sống xã hội.
Trong bất cứ cuộc chiến chống đại dịch nào thì ý thức tự đề phòng của từng người được coi là nền tảng; còn vaccine là “vũ khí” hiệu quả để tạo miễn dịch cộng đồng và cũng là để dập dịch. Ý thức tự vệ và những giải pháp y tế dự phòng đúng đắn cùng với vaccine là hai gọng kìm kiềm chế, tiêu diệt virus. Thiếu một trong hai yếu tố đó thì chống dịch sẽ rất khó khăn.
Với Việt Nam, qua 3 lần bùng phát dịch Covid-19 với những ca lây nhiễm ra cộng đồng (tính từ đầu năm 2020 cho tới trước Tết Nguyên đán 2021), từ một nền y tế dự phòng tốt cộng với tạo được ý thức phòng chống dịch của người dân cả nước, chúng ta đã nhanh chóng phong tỏa, khống chế và dập dịch; không để dịch lây lan trên diện rộng và cũng không kéo dài. Hơn 100 ngàn khu dân cư là hơn 100 ngàn pháo đài chống Covid-19. Mỗi người dân là một chiến sĩ trong pháo đài ấy.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, vẫn phải có vaccine, vì đó là vũ khí hiệu quả quyết định thắng lợi cuối cùng của trận chiến chống dịch. Nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn rơi vào khủng hoảng do dịch bệnh. Chính vì thế, Nhà nước đã quyết định nhanh chóng nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 đồng thời khuyến khích và đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine của chính chúng ta.
Về nguồn nhập từ bên ngoài, sáng 1/4, Bộ Y tế cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã đón nhận 811.200 liều vaccine Covid-19 tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, do COVAX (một chương trình do Liên hợp quốc chủ trì) tài trợ. Trước đó, ngày 24/2, lô vaccine AstraZeneca gồm 117.600 liều cũng đã về tới Việt Nam. Được biết, chúng ta cũng đã quyết tâm mua 30 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2021 này. Ngày 8/3, những mũi tiêm đầu tiên được tiến hành. Cho tới nay, hơn 50.000 người Việt Nam đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Còn với vaccine do chính chúng ta nghiên cứu, dự kiến vào tháng 9 tới sẽ “cho ra lò” lô đầu tiên. Việc nghiên cứu, đưa vào sản xuất vaccine với tốc độ cực nhanh, nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình. Điều đó cho thấy quyết tâm của Việt Nam cũng như năng lực y học của Việt Nam. Tới nay, trên thế giới cũng không nhiều quốc gia tự nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine, đối với vaccine ngừa Covid-19 thì lại càng hiếm hoi hơn.
Như vậy, cùng với vaccine đến từ bên ngoài, nguồn vaccine trong nước sẽ giúp chúng ta thêm vũ khí trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Hiện có một số đơn vị tiến hành nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa Covid-19. Đó là vaccine NanoCovax của Công ty Nanogen, vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), vaccine của Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech). Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn, khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.
Tuy nhiên, khi nguồn vaccine chưa dồi dào, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thì ý thức phòng dịch vẫn vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa sống còn. Nếu như trước đây, từ chủ trương “chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch ở bên trong” đã giúp chúng ta kiểm soát được dịch qua những lần có ca lây nhiễm ra cộng đồng, thì tại thời điểm này, dù bước đầu đã có vaccine thì chủ trương ấy vẫn phải quyết liệt thực hiện. Cả một dải biên giới Tây Nam, biên giới dọc theo dãy Trường Sơn cần phải được kiểm soát chặt chẽ - kiên quyết chặn dịch từ bên ngoài. Đó là điều khó khăn, vì cả hai tuyến biên giới này địa hình phức tạp, người dân qua lại dễ dàng. Có thể nói rằng, hiện nay dịch bệnh đang bủa vây, dịch đã đến “ngay cửa nhà”, chỉ sơ sểnh một chút thôi thì tình hình sẽ vô cùng nguy cấp.
Đáng chú ý, thời gian qua đã xuất hiện sự chủ quan trong cộng đồng. Từ những kết quả đạt được trong phòng, chống dịch cũng như thông tin khả quan về vaccine, không ít nơi, không ít người đã có thái độ coi thường dịch bệnh. Bằng chứng là sự nôn nóng mở cửa của hàng không, của du lịch; nhiều địa phương cho phép mở lại những hoạt động tập trung rất đông người; các bệnh viện, trường học, các phương tiện giao thông vận tải hành khách cũng lơi lỏng việc khai báo y tế, sát khuẩn cũng như đeo khẩu trang.
Điều đó thật đáng lo ngại khi mà chúng ta chưa tạo được miễn dịch cộng đồng, trong lúc thế giới và nhất là các nước láng giềng dịch bệnh vẫn diễn biến gay gắt. Không bi quan nhưng vẫn phải nói rằng dịch bệnh vẫn có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Vì thế, một lần nữa xin được nhắc lại cùng nhau rằng, phải kiên quyết kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, đường biển, đường không, không để dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào nước ta. Cùng đó, vẫn phải tiếp tục thực hiện Thông điệp 5K của ngành y tế là KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH -KHÔNG TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI - KHAI BÁO Y TẾ. Từ thông điệp ấy, trên thực tế tình hình, tới nay sẽ là 5K + VACCINE.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã đến, lại càng phải chặt chẽ hơn trong phòng, chống dịch. Với tất cả mọi người.