Trong buổi làm việc mới đây với Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã đưa ra các kiến nghị cần tháo gỡ trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị; liên doanh - liên kết - xã hội hóa trong y tế; hình thức máy đặt - mượn; và tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế. Những đề xuất đó nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc cục bộ, “chảy máu” chất xám của bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng, và có thể mở rộng ra đối với ngành Y.
Được biết, 8 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Chợ Rẫy có 77 nhân viên y tế nghỉ việc (dưới 2%), bằng số nghỉ việc năm 2021. Theo quản lý về nhân sự y tế, nghỉ việc dưới 2% là bình thường, từ 2-5% là báo động, và trên 5% là bất thường.
Sau khi lắng nghe các kiến nghị, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã đặt ra “bài toán” cho Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy: Làm sao vẫn tính đúng, tính đủ đảm bảo được cơ cấu mong muốn như đề xuất, nhưng chi phí người dân phải chi thêm liệu có cách nào giảm được nữa không? Bà Lan cho rằng cần có giải pháp nhằm giải quyết hài hòa lợi ích giữa bệnh viện và người bệnh, song song với việc gỡ khó khăn cho bệnh viện.
Những vướng mắc của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là những khó khăn của bệnh viện công, nhất là những bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ.
Thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến tháng 8/2022, cả nước có tới gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc; đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của ngành, nhất là tại các bệnh viện. Nguyên nhân đã được phân tích, mổ xẻ và vấn đề giữ chân các y, bác sĩ cũng như thu hút người có tâm, có tài vào ngành Y cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó.
Thời gian qua, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã nhiều lần lên tiếng về khó khăn do biến động nhân lực, tập trung ở các bệnh viện công lập. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 tại TPHCM đã có trên 2.000 người nghỉ việc, chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, có 891 viên chức nghỉ việc. Khó khăn nhất là nhân lực điều dưỡng khi bệnh viện nào cũng thiếu hụt và khó tuyển dụng. Cụ thể, theo yêu cầu, 1 bác sĩ phải có 3 điều dưỡng, thế nhưng tỷ lệ hiện nay chỉ từ 1,5-2 điều dưỡng/1 bác sĩ.
Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới tình trạng này được cho là do thu nhập của nhân viên y tế quá thấp, trong khi áp lực công việc nặng nề. Ngày 21/8, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành. Trong đó có kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.
Rồi đây, những bất cập của ngành Y sẽ được Chính phủ tháo gỡ, đặc biệt là hệ thống y tế công lập.
Trở lại với việc xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện công lập, thời gian qua cho thấy trong hệ thống y tế nói chung đã có sự cạnh tranh một cách tự nhiên giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Do chính sách đãi ngộ tốt nên bệnh viện tư đã “hút” được nhiều y, bác sĩ có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm về mình. Vì thế bệnh viện công cũng phải tìm cách cải thiện thu nhập của cán bộ, nhân viên cũng như tìm nguồn để nâng cấp trang thiết bị, mua sắm vật tư y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, từ chủ trương xã hội hóa, tự chủ, không ít lãnh đạo bệnh viện đã bắt tay với tư nhân để trục lợi, nâng gấp nhiều lần giá máy móc, trang thiết vị, vật tư y tế; đồng thời buộc người bệnh phải trả số tiền rất lớn nếu muốn được phục vụ. Từ đó, không ít lãnh đạo bệnh viện đã phải vào vòng lao lý.
Xã hội hóa, tự chủ bệnh viện công lập là chủ trương đúng khi giao quyền cho lãnh đạo bệnh viện, để họ không ỉ lại vào “bầu sữa ngân sách” mà phải chủ động, sáng tạo, tìm ra cách làm hay. Nhưng không được vì quyền lợi cá nhân mà vi phạm pháp luật, càng không được trục lợi từ người bệnh, thân nhân người bệnh. Khi người bệnh phải vào khám, điều trị thì đương nhiên là không được “mặc cả”, bệnh viện đưa ra giá nào thì phải chi trả như thế. Với người giàu, họ có thể chọn lựa cơ sở y tế xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Nhưng, với người thu nhập trung bình, hoặc thu nhập thấp, người nghèo thì sao? Họ sẽ phải chịu đựng “nỗi đau kép”, đó là bệnh tật giày vò cùng với số tiền ít ỏi có được “không cánh mà bay”.
Vì thế, nói như Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hài hòa lợi ích giữa bệnh viện (công) và người bệnh cũng chính là bài toán then chốt đặt ra không chỉ trước mắt mà sẽ lâu dài.