Ngày 30/10, theo trang thống kê Worldometers, toàn cầu vượt ngưỡng 45 triệu ca nhiễm Covid-19, lên tới 45.320.581 trường hợp, trong đó có 1.186.223 người thiệt mạng và 32.992.305 bệnh nhân được điều trị khỏi.
Theo đó, ngày 29/10 là ngày thứ 2 liên tiếp thế giới ghi nhận hơn 500.000 ca nhiễm mới kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và tiếp tục là con số kỷ lục mới với 545.903 trường hợp.
Hiện tại, Mỹ, Ấn Độ, Pháp là 3 nước ghi nhận số ca tăng cao nhất thế giới, lần lượt ở mức 91.530 (mức cao nhất trong 1 ngày tại Mỹ), 49.281 và 47.637. Tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ là hơn 9,2 triệu người - cao nhất thế giới, tiếp sau là Ấn Độ (hơn 8,8 triệu người) và Brazil (hơn 5,49 triệu người).
Tại châu Âu, trong ngày 29/10, đã có thêm 279.499 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.566 bệnh nhân tử vong. Đến nay, châu Âu ghi nhận hơn 9,4 triệu ca nhiễm với 260.066 bệnh nhân không qua khỏi. Ngoài điểm nóng dịch bệnh là Pháp, hiện Italy, Anh và Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày dao động từ 20.000 đến 27.000 ca, trong khi Đức và Nga có 17.000-18.000 ca nhiễm mới.
Chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng. Điều này đồng nghĩa chính quyền 17 vùng của Tây Ban Nha có thể áp đặt các biện pháp hạn chế người dân di lại, ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm và đóng cửa biên giới.
Còn tại Pháp, từ ngày 30/10, người dân không được phép tự do ra khỏi nhà. Các quán rượu và nhà hàng cũng buộc phải đóng cửa ít nhất đến tháng 12. Hoạt động đi lại giữa các địa phương trong nước cũng bị hạn chế.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định phong tỏa một phần từ ngày 2/11, theo đó các địa điểm giải trí tập trung đông người như nhà hàng, quán rượu, rạp chiếu phim... tạm ngừng hoạt động, nhưng người dân không bị hạn chế về đi lại.