Dmitri Medegleyev đang là nhà khoa học với danh tiếng ở tầm thế giới, tác giả của bảng tuần hoàn mang tên ông, người cha của hai đứa con và người chồng của bà vợ tên là Feozva, khi ông vấp phải cái gọi là cuộc khủng hoảng thời trung niên. Ở tuổi 48, ông đã phải lòng mê đắm nữ họa sĩ Anna Popova, trẻ hơn ông tới 26 tuổi. Và mỹ nhân cũng rất yêu ông. Hai người đã định cưỡng lại tiếng gọi hoang dã của trái tim nhưng uổng công vô ích. Bà Feozva tất nhiên là không đồng ý ly hôn. Nhà thờ chính giáo Ng
Lyubov Mendeleyev và Aleksandr Blok.
Tình yêu lý tưởng
Lyubov cất tiếng khóc chào đời ngày 29-12-1881, nhưng chỉ tới tháng 8-1882 mới được đăng ký tên họ trong sách của nhà thờ, khi cha mẹ cô giành được quyền kết hôn theo nghi lễ tôn giáo.
Đó đã là một gia đình hạnh phúc. Lyubov về sau có thêm được hai em trai là Ivan và Vasili cùng cô em gái Marusia. Tại tư gia của nhà bác học vĩ đại Mendeleyev thời đó thường xuyên tổ chức những cuộc hội ngộ thầy trò, khi tụ họp bên bàn ăn là những giảng viên và sinh viên cùng các văn nghệ sĩ tên tuổi. Từng tới đó là các danh họa Nga Kramskoi (tác giả bức tranh nổi tiếng “Người đàn bà xa lạ”), Repin (tác giả “Những người kéo thuyền trên sông Volga”), Veresagin, Shishkin… Lẽ ra mỹ nhân Lyubov đã có thể tìm được ý trung nhân trong số các sinh viên và giáo sư danh giá đó, nhưng duyên số đã không thành…
Hàng xóm của gia đình Mendeleyev ở Boblovo, nơi họ thường về nghỉ khi mùa hè tới, có trang trại Shakhmatovo của giáo sư thực vật học Andrey Beketov. Vị giáo sư này có một cậu cháu nội tên là Shasha, sau này là thi sĩ Aleksandr Blok.
Gia đình của Shasha khó có thể gọi là hạnh phúc. Người cha, giáo sư luật ở Trường đại học Tổng hợp Warshaw có tật nóng tính quá độ nên hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bà vợ Aleksandra của mình, ngay cả khi bà đang bụng mang dạ chửa. Hay tin này, nhà thực vật học Beketov đã bắt con gái mình phải li dị anh chồng vũ phu. Shasha lớn lên không có cha, nhưng bù lại, luôn được ở cận kề người mẹ rất mực thương con, thậm chí lắm lúc còn quá thương con, cùng người ông ngoại tuyệt vời, luôn lo lắng quan tâm tới cháu và chỉ mong cháu cũng yêu môn thực vật học như mình. Công bằng mà nói, ông ngoại đã uổng công khi muốn thi sĩ tương lai quan tâm tới môn thực vật học…
Tuy nhiên, cả hai gia tộc Mendeleyev và Beketov đều rất mê kịch. Nói cho cùng, ở nước Nga thời đó còn có việc gì làm xứng đáng hơn đối với những người hạnh phúc và không hạnh phúc nhưng luôn tràn trề tiềm năng lượng sáng tạo? Họ đã thử sức với cả Hamlet – ít ra thì trong các gia đình này đã có những gương mặt xứng đáng vào các vai chính. Đó có lẽ là một trong những cặp đẹp nhất trong lịch sử sân khấu: thanh nữ 16 tuổi Lyubov tóc vàng trong vai Ofelia và chàng trai 17 tuổi mắt màu tro Shasha Blok trong vai Hamlet. Tình yêu của họ đã bắt đầu sau cánh gà. Và đã diễn tiến tuyệt vời cho tới một thời điểm nào đó…
Shasha cưỡi chú ngựa Malchik tới trang trại Boblovo. Lyubov đón anh cùng cành chi cỏ roi ngựa (verbena) đỏ. Hai người cùng nhau dạo chơi: “Như thể có tình yêu, nhưng thực ra chỉ là những câu chuyện đơn thuần về văn học, thi ca, thoát tục… Không lần nào anh ấy xin cành chi cỏ roi ngựa của tôi và cũng không lần nào chúng tôi đi lạc vào bụi rậm…”. Lyubov là một thanh nữ tốt bụng và thuần phác, và chỉ muốn những mối quan hệ lãng mạn đơn giản. Cô đã không ngờ trong con mắt của thi sĩ, cô đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời và tột đỉnh của tình yêu.
Năm 1901, Shasha Blok bắt đầu sáng tác về “Người phụ nữ tuyệt vời” và viết cho Lyubov Mendeleyeva:
“Em là Mặt trời của anh, là Bầu trời của anh, là Sung sướng của anh. Anh không thể thiếu em cả ở cõi này hay cõi khác. Cuộc sống của anh trọn vẹn thuộc về em từ đầu tới cuối. Em Âm vang, Vĩ đại, Tròn đầy, Tuyệt đỉnh của trái tim bé bỏng nghèo nàn tội nghiệp trong anh…”.
Những lá thư như thế thực ra cũng là tiếp nối của những vần thơ trác tuyệt, cho tới nay vẫn là mẫu mực của thơ tình thế giới. Lyubov thoạt đầu đã không hiểu ra điều này. Cô cứ nghĩ rằng Shasha chỉ say mê ý tưởng tình yêu của anh mà bỏ qua chính bản thân tình yêu và cả cô nữa. Đã hai lần cô định cắt đứt quan hệ với anh. Cô thi vào lớp cao cấp nữ giới, học về môn ngữ văn. Cô cũng tham gia các tiết học kịch mà về sau, đã có ích cho cô không kém gì những tiết học triết hay khoa học tâm lý… Lyubov thường xuyên tới dự những chương trình hòa nhạc ở tòa nhà Hội đồng Quý tộc, nơi tụ họp yêu thích của giới sinh viên thời ấy. Cô cũng tham gia các buổi khiêu vũ. Cũng đã có những chàng trai thích cô nhưng cô hầu như không để ý tới họ vì “toàn là những người bình thường lắm”… Cũng chẳng có gì lạ, sau những cuộc gặp gỡ với Shasha Blok thì mọi chàng trai khác đều là “những người bình thường lắm”…
Bản thân chàng thi sĩ trẻ cũng không thể nào quên được Lyubov Mendeleyeva. Shasha tới trực ở gần nơi cô học và họ hay đụng nhau một cách “tình cờ”. Rồi họ rủ nhau đi dạo chơi trên những đường phố mùa đông của thành Saint Peterburg.. Một lần họ ngồi lên xe trượt tuyết và Shasha đã đưa đôi bàn tay không đeo găng đỡ lấy eo cô. Lyubov lo lắng, lỡ đâu tay anh bị cóng thì sao… Shasha đáp: “Về tâm lý thì nó không thể nào bị cóng”… Đôi khi chỉ cần một câu nói như thế cũng đủ để một cô gái như Liubov phải lòng mê mệt…
Ngày 17-8-1903, Aleksandr Blok và Lyubov Mendeleyeva đã làm lễ thành hôn trong nhà thờ Mikhail Arkhalgel tại thôn Tarakanovo, cách trang trại Shakhmatovo không xa.
Sau đám cưới, Lyubov mới ngộ được ra, thế nào là làm “Người phụ nữ tuyệt vời” và biểu tượng của “Nữ tính vĩnh cửu” như thi nhân đã viết dâng tặng cô: “Tôi hoàn toàn không hiểu gì về những chuyện tình ái. Tôi lại càng không biết cách tiếp nhận tâm lý tình yêu phức tạp và không hoàn toàn đơn giản của một người chồng rất không bình thường như Shasha. Anh ấy ngay lập tức lý thuyết hóa cái gọi là việc hai chúng tôi không cần phải gần gụi về mặt thể xác vì theo anh, đó là tàn dư quá khứ, là tăm tối… Khi tôi nói với anh ấy rằng, tôi cũng yêu cái thế giới mà tôi còn chưa được biết tới đó, rằng tôi muốn anh ấy thì anh ấy lại tung ra những lý lẽ: những quan hệ như thế không thể kéo dài, đằng nào thì anh ấy cũng sẽ bỏ tôi để đi với những người khác… “Thế còn em thì sao?”. “Em cũng sẽ làm như thế…”.
Quan hệ giữa Thi sĩ với “Người phụ nữ tuyệt vời” thậm chí còn được thảo luận trong những buổi tụ họp của nhóm nhà thơ theo chủ nghĩa tượng trưng. Thậm chí họ còn đặt ra câu hỏi: Tại sao lại có thể cưới “Người phụ nữ tuyệt vời”? Những nhà thơ theo chủ nghĩa tượng trưng đã cố gắng tìm kiếm sự hòa hợp giữa cuộc đời và sáng tạo. Đôi khi họ lầm lẫn giữa cuộc sống và sáng tạo, như những đứa trẻ còn nằm nôi nhầm giữa đêm và ngày. Họ thực sự đã là những đứa trẻ. Họ lúc ấy mới chỉ ở độ tuổi 17-18. Những nhà thơ theo chủ nghĩa tượng trưng muốn hòa quyện cuộc sống và sáng tạo thành một thể thống nhất. Aleksandr Blok rất hợp với vai trò này. Và Lyubov Mendeleyeva đã trở thành đối tượng để ngưỡng vọng. Những bằng hữu của Blok như Andrey Belyi hay Sergey Soloviov đề xuất thần tượng cô và tụng ca theo kiểu chủ nghĩa tượng trưng từng cử chỉ, từng câu nói, từng trang phục của cô… Đó đã là một trò chơi, nhưng không phải vì thế mà kém phần tàn nhẫn. Sau này, nhớ lại, Lyubov đã cho rằng, ngay từ đầu trong quan hệ của cô với Blok đã là một “nền móng giả tạo”. “Lý thuyết” đã vượt lên trên tình cảm nhưng rồi bị đánh bại bởi thực tế. Hệ lụy của việc này hết sức tang thương…
Phải một năm sau ngày cưới, sự nồng nhiệt của Lyubov mới buộc được Blok gần gụi với cô. Tuy nhiên, cả hai đều không nhận được khoái cảm cần phải có. Lyubov sau này đã viết về tính cách trẻ trung thời đó của mình, về trữ lượng nồng nàn mới chớm tỉnh giấc: người phụ nữ phương Bắc, “thứ rượu sâmpanh để đóng băng” mà người chồng không muốn làm rã băng và uống thử… Điều này khiến trong lòng cô xuất hiện sự ngỡ ngàng đến tuyệt vọng: “Không cần phải hôn chân hay váy áo em trong thư – hãy hôn môi em như em khao khát, thật lâu, thật nồng nhiệt!” Cô đã giữ lại lá thư này trong tủ mà không gửi cho Blok, mặc dù lá thư đó đã được viết ra từ một năm rưỡi trước ngày làm lễ cưới trong nhà thờ: “Anh đã không nhận ra em, một con người sống, anh đã để em lọt ra ngoài mắt…”
Aleksandr và Andrei Belyi.
Người thứ ba thất bại
Một lần, Andrey Belyi, cũng là một thi sĩ thượng thặng của chủ nghĩa tượng trưng Nga đầu thế kỷ XX, một người rất sùng bái Blok, như bừng tỉnh cơn mê và thấy rằng, Lyubov chỉ đơn giản là một phụ nữ xinh đẹp chứ chẳng phải thần tượng gì cả. Và Belyi đã đem lòng yêu Liubov một cách mê muội. Tháng 5-1905, Belyi đã viết cho Lyubov lá thư tỏ tình. Và người đàn bà đẹp đã đáp trả bằng một lá thư đầy ấm áp: “Em rất vui vì anh đã yêu em, khi đọc lá thư của anh, em cảm thấy lòng ấm áp và nghiêm túc làm sao. Hãy yêu em đi, điều đó rất tốt; bây giờ em chỉ có thể nói với anh điều này thôi… Em sẽ không rời bỏ anh, sẽ thường xuyên nghĩ về anh và cầu mong bằng tất cả sức mạnh của mình những hoàng hôn êm đềm dành cho anh…”
Thế là Lyubov đã bị rơi vào bẫy tình của một thi sĩ nữa ngoài chồng. Nhận được thư của cô, Belyi đã tới thú nhận với Blok về tình yêu của anh, ngay trước mặt Lyubov. Theo hồi ức của Belyi, nghe anh nói xong, Blok thốt lên rất khẽ: “Đành thôi, tôi cũng vui…”
Bản thân Lyubov cũng bị rối lẫn trong các cảm xúc của mình. Cô không thể nào đưa ra được quyết định dứt khoát, chọn ai giữa hai thi sĩ? Belyi hồi tưởng sau này: “N. (anh viết bí danh cho Luybov như thế) thú nhận rằng nàng yêu tôi và yêu cả Blok, rồi sau đó một ngày, nói rằng không yêu cả tôi lẫn Blok, rồi lại nói, yêu Blok như ruột thịt, còn yêu tôi theo kiểu trần gian… Rồi một ngày sau lại đảo lộn mọi thứ… Tôi đã muốn nổ tung đầu ra vì những lời thổ lộ của nàng…”
Năm 1906, Lyubov viết cho Belyi một lá thư mà trong đó đã đưa ra lời cương quyết cấm anh tới nhà của cô và Blok chơi. Rồi cô lại khẳng định thêm một lần nữa: cô vẫn lựa chọn Blok. Belyi như phát điên: “Tôi nghĩ về em như đức mẹ, Thế mà em lại hóa yêu tinh…” Một hình tam giác đầy đau đớn và rắc rối. Do quá si mê Luybov, Belyi thậm chí đã có lần “ghen ngược” và nhờ một người bạn chung mang lời thách đấu tới chỗ Blok. May mà cuộc đấu đó đã không diễn ra… Blok đã bình tĩnh nói, không có lý do gì để mà phải đấu súng cả, “cậu ấy cần phải nghỉ ngơi”… Belyi đã nổi khùng rồi khóc lóc, van nài Luybov cho giáp mặt… Anh thậm chí còn muốn nhảy xuống sông Neva tự vẫn nhưng không làm sao ra được chỗ nước sâu vì những con tàu đậu đầy ra trên sông… Rốt cuộc Belyi đã đi ra nước ngoài nhưng chỉ nửa năm sau quay trở lại vì càng ở xa anh càng thấy yêu và nhớ Lyubov hơn… Điều kỳ lạ nhất trong mối quan hệ nồng thắm này là ngoài những cái hôn ra thì giữa Belyi và Lyubov không còn việc gì hơn xảy ra nữa. Có lần Lyubov đến nhà Belyi, đã cởi bỏ y phục ra rồi nhưng đến phút cuối, cô lại vội vã mặc đồ vào và chạy ra khỏi phòng…
Bản thân Lyubov dần dà hiểu ra rằng, cô không thể làm biểu tượng của chủ nghĩa tượng trưng mãi được. Bản năng tự vệ đã mách bảo cô phải tìm cách thoát khỏi vai trò kỳ cục “phu nhân của chủ nghĩa tượng trưng”. Và cô quyết định: nếu số phận là phải diễn thì sẽ là diễn trên sân khấu chứ không phải ngoài đời. Cô lấy nghệ danh L. Basargina (theo họ của người ông từng tham gia phong trào Tháng Chạp) và trở thành diễn viên của xưởng kịch do đạo diễn Vsevolod Meyerkhold chỉ đạo. Và cô đi du diễn liên miên. Dĩ nhiên là một nữ diễn viên xinh đẹp như Lyubov tất yếu sẽ có những người đàn ông hâm mộ và mê đắm. Rồi cả những “phi công trẻ”, những nam nghệ sĩ mới vào nghề… Trong hồi ký của mình, Luybov viết đầy cay đắng: “Khi đó tôi đã chung thủy với tình yêu thực sự và gian khó cùa mình, nhưng sau này tôi đã dễ dàng buông thả với những giăng hoa bất chợt. Vì không được chồng đoái hoài đến nên tôi sẵn sàng với bất cứ ai lại gần tôi…”
Thế nhưng, Blok vẫn như khi mới gặp tiếp tục viết cho cô những lá thư tình dù hơi đổi giọng một chút nhưng vẫn rất dịu dàng và ân nghĩa. Trong thư, nhà thơ luôn gọi vợ mình bằng những từ em yêu, em thương, em bé bỏng… Và anh cũng cho cô quyền tự do muốn làm gì thì làm. Dường như anh coi chuyện giăng hoa giữa vợ với những người đàn ông khác chẳng có gì là quan trọng cả… Với thi sĩ, quan trọng là chiếm được trái tim chứ không phải là thể xác…
Lyubov có lúc đã muốn quay trở lại với Blok. Nhưng trở lại rồi, cô càng thấy rõ hơn là quan hệ giữa họ không bao giờ có thể như trước được nữa… Tình yêu của họ quá thánh thiện nên mọi thứ trên trần thế này đều cản trở nó.
Bản thân Blok từ năm 1907 cũng đã không chung thủy với vợ mình nữa. Là một nhà thơ lớn, anh không bao giờ thiếu những bóng hồng hâm mộ.
Mùa xuân năm 1908, Lyubov biết mình đã có mang, với một cậu nghệ sĩ trẻ mới vào nghề. Và cô báo tin cho chồng ngay: “Chỉ có chúa mới biết em đã làm gì nhưng em yêu, em yêu, em yêu. Và em đang bay lại về với anh đây!..” Trước khi cưới, cô từng thú nhận với Blok rằng, cô sợ phải làm mẹ. Anh đã an rủi cô rằng, anh sẽ không bao giờ có con được. Khi hay tin cô có mang, Blok đã vui mừng. Thế nhưng, đứa con trai sinh ra một cách vô cùng chật vật mới được một tuần đã chết vào tháng 2-1909. Cho đến ngày cuối cùng của đời mình Blok vẫn thường xuyên tới thăm mộ đứa con trai được đặt tên Dmitri như ông ngoại. Còn đối với Lyubov, đó là cơn ác mộng mà cô cứ muốn quên đi thật nhanh. Hai vợ chồng đã cố gắng sống chung lại với nhau nhưng không thành. Blok đã viết những dòng thơ cay đắng:
“Trên trái đất khổ đau, anh quên lãng
Mọi chiến công, ảo vọng, hư danh,
Khi gương mặt em dịu dàng, thân thiết
Từ khung cảnh trên bàn đăm đắm nhìn anh.
Nhưng em đã bỏ nhà đi biệt xứ
Nhẫn cưới, anh đành vứt vào đêm.
Em trao lòng cho ai người xa lạ,
Trong anh phai dần vóc dáng thân quen.
Thời gian cứ ngày nối ngày cuồng chạy…
Dục vọng, rượu chè xé nát đời anh.
Anh nhớ lại hình bóng em ngày cưới
Và gọi em hoài như gọi tuổi thanh xuân.
Anh gọi em, nhưng em nào nghe thấu,
Anh khẩn cầu, nhưng em có hay đâu.
Khoác tấm áo xanh buồn rầu tê tái,
Em bỏ nhà đi với đêm thâu.
Anh không hiểu, nơi nao em cảm thấy
Kiêu hãnh lòng được nâng đỡ, vuốt ve.
Anh mơ mãi gặp áo xanh thuở ấy
Đã đêm nào cuốn em ra đi.
Giờ hết thèm vinh quang, tình ái,
Mọi sự qua, đời cạn những ngày xanh.
Khung ảnh trên bàn với gương mặt đẹp
Bị vứt rồi cũng chính bởi tay anh…”
Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Dù nói ra điều này có thể báng bổ thế nào nhưng đối với Lyubov, đó lại là cứu rỗi. Cô vội vã tình nguyện đi làm y tế nhân đạo và tới với các quân y viện 9 tháng liền. Cô không lo lắng chuyện nhan sắc tàn phai. Và cô vẫn nhận được những lá thư đầy tình cảm từ chồng, mặc dầu lúc này, chuyện tình giữa Blok với nữ ca sĩ Liubov Delmas đang ở đỉnh điểm.
Lyubov Mendeleyeva không ghen với Lyubov Delmac. Thậm chí cô còn thấy tình yêu giữa chồng cô với cô ca sĩ kia là “rất hài hòa”. Nhưng đó chỉ là vẻ ngoài. Blok không cần sự hài hòa. Anh chỉ cần Lyubov. Nhớ lại kỷ niệm ấu thơ với những vở kịch của Shakespear, anh viết:
“Tôi – Hamlet. Máu dần tê buốt
Khi gian tà bủa lưới vây quanh.
Còn trái tim vẫn tình yêu thứ nhất
Trọn dâng người duy nhất cõi trần gian.
Băng giá đời cuốn em đi biệt xứ,
Ôi Ofelie thân quý nhường bao!
Anh – hoàng tử – sẽ chết nơi quê cũ
Khi lưỡi dao tẩm thuốc độc đâm vào.”
Và đây nữa, nỗi đau đớn của nhà thơ với người vợ mà mình không thể bao giờ nguôi ngoai được:
“Dẫu anh đã sống, không yêu nữa,
Dẫu rồi anh sẽ phụ lời nguyền,
Em vẫn khiến lòng anh xao xuyến
Bất cứ nơi nào anh lại gặp em.
Ôi đôi tay đã thành xa ngái!
Nguồn sáng em rồi sẽ mang về
Rọi cảnh đời nhạt nhòa tê tái
Cả lúc mình đã phải chia ly.
Và giữa chốn ẩn cư cô tịch
Lạnh lùng, trống rỗng, đơn côi,
Trong giấc ngủ chẳng khi nào thanh thản
Anh mơ thấy căn nhà đã bị bỏ rơi,
Anh mơ thấy những giây phút cũ,
Và những năm tháng cũ, anh mơ…
Ôi có lẽ từ nay vĩnh viễn
Tâm trí anh, em chẳng tách bao giờ.
Dù ai có rủ rê
Anh cũng không đánh đổi
Nỗi tuyệt vọng lấy dịu dàng phù phiếm
Và lặng thầm, anh ở với anh thôi…”
Rồi cô trở về với Blok nhưng lại đi du diễn liên miên. Trong thư gửi cô, nhà thơ than thở: “Đã mấy năm rồi anh không được nhìn thấy em, thiếu em thật buồn tẻ và khó chịu, mà tuổi già thì đang tới gần… (Khi đó Blok mới 37 tuổi). Đời là thế, ta phải sống với người ta không muốn, còn với người ta muốn thì ta lại không được sống. Thiếu em thật khó khăn và cay đắng. Thế để làm gì?”.
“Em rất lo lắng và em những muốn ở cùng anh, giúp đỡ anh trong giai đoạn hỗn tạp này. Nếu anh bị giết thì em cũng không thể sống được…” – Lyubov viết thư cho chồng.
Ngày 1-8-1917, rốt cuộc Lyubov cũng trở về Petrograd (tên gọi mới của Saint Peterburg). Cuộc sống chung của họ với nhau đã không mang lại cho họ niềm hạnh phúc mong đợi. Tuy nhiên, khi sức khỏe cùng kiệt, trong những ngày hấp hối, người duy nhất mà Blok muốn nhìn thấy chính là Lyubov Mendeleyeva. Và cô đã ở cạnh anh cho tới phút cuối cùng, khi Blok vĩnh viễn ra đi vào ngày 7-8-1921. Andrei Belyi mất năm 1934. Còn Lyubov Mendeleyeva mất năm 1939, ở tuổi 58, trong cảnh cô đơn. Tập hồi ký cho tới lúc đó vẫn chưa được hoàn thành nhưng những dòng chính yếu nhất về bản thân và Blok đã được viết xong: “Chúng tôi đã luôn luôn có lối thoát sang thế giới bên kia, nơi chúng tôi luôn gắn bó với nhau, chung thủy và trong sạch. Tại đó, chúng tôi luôn dễ chịu và ấm áp ngay cả nếu như đôi khi chúng tôi phải khóc về những tai họa trần gian của mình”...