Hai nữ ĐBQH sai phạm là bài học cho nhiệm kỳ tới

Việt Thắng 23/02/2016 17:08

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã nhấn mạnh như vậy, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016) của Quốc hội chiều nay.

Hai ĐBQH của khóa XIII được nhắc đến là bà Đặng Thị Hoàng Yến và bà Châu Thị Thu Nga đều là nữ doanh nghiệp tự ứng cử ĐBQH. Chính đầu vào không làm chặt chẽ, đến khi xảy ra sai phạm khiến giờ phải đi xử lý. Cho nên cần đưa vào báo cáo nhiệm kỳ để từ đó rút kinh nghiệm cho khóa tới được tốt hơn - ông Sơn đề nghị.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 vị đại biểu Quốc hội với cơ cấu hợp lý hơn, bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật; có kế thừa và phát triển cơ cấu đại biểu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và các khóa trước.

Theo ông Phúc, đa số đại biểu Quốc hội có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cũng theo ông Phúc, các đại biểu Quốc hội đã cơ bản phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội mà đại biểu Quốc hội là thành viên. Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội thực sự trở thành trung tâm của các kỳ họp, phát huy cao trách nhiệm trước Tổ quốc, nhân dân trong thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thể hiện chính kiến rõ ràng, trách nhiệm, thẳng thắn, công tâm.

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng ngày càng khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Ông Phúc cũng thẳng thắn nhận định, cơ cấu đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII vẫn còn một số hạn chế đó là tỷ lệ đại biểu Quốc hội nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số đạt thấp so với yêu cầu; số lượng đại biểu công tác trong các cơ quan hành pháp vẫn còn cao.

Hoạt động của một số đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm có những hạn chế nhất định, như gặp khó khăn về bố trí thời gian, các điều kiện bảo đảm hợp lý để thực hiện nhiệm vụ với tư cách cá nhân của đại biểu; còn lúng túng trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri, chưa chủ động đưa ra sáng kiến lập pháp hoặc tự giám sát những vấn đề mình quan tâm.

"Có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí có đại biểu vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước" - ông Phúc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai nữ ĐBQH sai phạm là bài học cho nhiệm kỳ tới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO