Hai “ông lớn” nỗ lực hoàn tất TPP

Khánh Duy 07/09/2015 09:45

Các vòng đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tuần qua đã có bước tiến tích cực, sau khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso cùng người đồng cấp Mỹ Jack Lew đã thỏa thuận rằng hai bên cần hợp tác để sớm hoàn tất Hiệp định thương mại này.

Hai “ông lớn” nỗ lực hoàn tất TPP

Vòng đàm phán TPP tổ chức ở Maui, Hawaii hồi đầu tháng 8.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với ông Lew bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Aso cho biết ông đã thảo luận cùng ông Lew về sự cần thiết phải đẩy nhanh đàm phán TPP.

Bộ Tài chính Mỹ cũng cho hay, ông Lew đã nói với ông Aso rằng ông “rất hy vọng rằng các vòng đàm phán TPP cần được hoàn tất càng sớm càng tốt”.

Vào cuối tháng 7, Mỹ, Nhật Bản cùng 10 quốc gia thuộc vành đai Thái Bình Dương đã tổ chức một cuộc họp cấp Bộ trưởng tại Hawaii để thảo luận về TPP, nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào do vướng mắc về vấn đề tài sản trí tuệ, gỡ bỏ thuế quan đối với mặt hàng bơ sữa và ô tô.

TPP, với mục đích gỡ bỏ thuế quan đối với các nền kinh tế tham gia, sẽ mang lại cơ hội thương mại và phát triển mới cho nhiều quốc gia, từ Chile đến Canada, Nhật Bản, Singapore và cả Việt Nam; và dự kiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tạo ra đến 40% sản lượng của toàn cầu.

Để TPP có thể hoàn tất, Nhật Bản và Mỹ - 2 nền kinh tế lớn nhất tham gia Hiệp định này - cần phải giải quyết được những khác biệt xung quanh vấn đề tự do hóa mặt hàng nông sản và các bộ phận xe hơi. Thế nhưng, hai nước đến nay vẫn còn một nhiệm vụ đầy khó khăn trong việc thỏa thuận về mở cửa thị trường gạo Nhật Bản và gỡ bỏ thuế quan mà Mỹ áp với các linh kiện xe hơi của Nhật.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustafa Mohamed đã cảnh báo rằng có khả năng TPP sẽ không thể sớm được hoàn tất do còn quá nhiều vấn đề bất đồng còn tồn tại giữa các bên đàm phán. Tuy nhiên, ông Mustafa cũng thể hiện sự lạc quan rằng thỏa thuận vẫn có thể đạt được.

Kể từ sau những vòng đàm phán gần đây nhất ở Hawaii, các quốc gia thành viên TPP dường như còn chưa quyết định xem khi nào sẽ tiếp tục tổ chức thêm các vòng đàm phán. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng đàm phán TPP đang bị lãng quên, ít nhất là trong thời điểm này, trong bối cảnh Mỹ đang tập trung cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Lo ngại về điều này, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari hồi tuần trước cũng cảnh báo rằng các vòng đàm phán có thể sẽ bị hoãn lại nếu như các nước thành viên không thể đạt được một thỏa thuận sâu rộng trước khi cuộc tổng tuyển cử ở Canada diễn ra trong tháng tới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama từ lâu đã thể hiện mong muốn rằng 12 quốc gia tham gia vào TPP sẽ trở thành một phần trung tâm trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Mỹ, và trở thành một cán cân kinh tế mới trước sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu hồi đầu tháng trước nhân chuyến công du Singapore, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của TPP đối với đà tăng trưởng và sự thịnh vượng của khu vực: “Không có quốc gia nào có thể kỳ vọng rằng nền kinh tế của họ sẽ tăng trưởng đơn giản chỉ nhờ mua và bán trong cộng đồng người dân của họ”.

Đàm phán TPP hiện đang là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, bao gồm không chỉ các vấn đề về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những vấn đề phi thương. Thời gian qua, nhiều chuyên gia cũng từng phân tích rằng Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi ký kết TPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai “ông lớn” nỗ lực hoàn tất TPP