Hơn 5,4 nghìn tỷ đồng là con số thiệt hại do cơn bão số 3 đã gây ra đối với ngành nông nghiệp tại Hải Phòng. Hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp cần một “cú hích” về cơ chế, chính sách để có thể vực dậy, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo người dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), hơn 100 cơ sở nuôi cá lồng bè ở Cát Bà đều bị thiệt hại, không còn khu vực nào nguyên vẹn sau cơn bão số 3. Cơn bão đã làm nhà chòi xiêu đổ, nhiều lồng bè bị đứt dây chằng trôi dạt đi nơi khác, hàng loạt bè gỗ mới đóng cũng tan hoang. Lượng cá nuôi thất thoát không đếm xuể.
Anh Đỗ Mạnh Toàn, một hộ nuôi cá khu vực bến Cái Bèo cho biết, gia đình anh nuôi khoảng chục lồng cá với sản lượng khoảng 60 tấn. Do việc tiêu thụ gặp khó khăn nên trước bão, lượng cá còn lại khá nhiều. Mặc dù đã gia cố lồng bè, chằng chống các căn chòi nhưng siêu bão tràn qua đã “cuốn” đi gần hết số lồng bè và cá.
“Riêng lồng cá có 3 con cá song vua với khối lượng khoảng 50kg/con bị thiệt hại, tôi đã mất tới cả trăm triệu đồng. Mấy lồng nuôi cá song thương phẩm và cá giò cũng hỏng, cá trôi đi hết. Ước tính thiệt hại của gia đình tôi khoảng 800 triệu đồng”, anh Toàn rầu rĩ.
Cũng giống anh Toàn, trang trại của anh Nguyễn Quang Vình (xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng) cũng thiệt hại hàng tỷ đồng. Anh Vình là chủ hợp tác xã chăn nuôi quy mô lớn nhất xã Toàn Thắng với đầu tư lớn về trang thiết bị, công nghệ. Hợp tác xã của anh Vình cũng là một trong hai đơn vị đầu tiên ở Hải Phòng được công nhận có sản phẩm OCOP đối với trứng gà.
“Chỉ sau mấy tiếng bão số 3 quần thảo, 2.000 con gà đẻ trứng bị chết. Cả trang trại đổ sập do 2 cây si lớn bị bật gốc đè vào. Không chỉ thiệt hại về mặt vật chất, điều mà tôi lo nhất là làm thế nào để ngăn ngừa dịch bệnh cho trang trại sau bão”, anh Vình chia sẻ.
Anh Toàn và anh Vình chỉ là hai trong số hàng trăm hộ NTTS và chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Hải Phòng bị thiệt hại sau bão số 3.
Theo thống kê thiệt hại do bão số 3 gây ra, cả TP Hải Phòng có hơn 25,5 nghìn ha lúa, hơn 3,3 nghìn ha hoa màu và rau màu cùng gần 1,9 triệu hoa, cây cảnh bị hư hại. Trong chăn nuôi, gió mạnh kèm mưa lớn đã làm nhiều nhà xưởng bị tốc mái, khiến gia súc, gia cầm chết hàng loạt. Sơ bộ đã có hơn 5 nghìn gia súc (trâu, bò, dê, lợn), hơn 1 triệu gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) bị chết.
Đối với NTTS, có hơn 4,6 nghìn ha bị ảnh hưởng, thiệt nặng tập trung ở các hộ nuôi tôm, cá, ếch,.. ở khu vực Tiên Lãng, Kiến Thụy, Dương Kinh, Cát Hải, Đồ Sơn…
Ước tính thiệt hại đối với ngành nông nghiệp khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Gia Khánh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng cho biết, ngay sau bão, đơn vị đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung lực lượng khẩn trương triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất trồng trọt.
Với diện tích lúa bị hư hại, thiệt hại hoàn toàn, đơn vị đã hướng dẫn người dân nghiên cứu, tùy vào chân ruộng để khắc phục. Với chân đất sâu trũng, người dân cần tiến hành các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật và tiến hành xử lí bằng chế phẩm sinh học để tạo nguồn hữu cơ, để tránh tồn dư nguồn bệnh. Với những khu vực có chân đất cao, có thể trồng được rau màu, đơn vị hướng dẫn người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để làm đất, lên luống trồng các loại rau màu phù hợp.
Đối với khu vực chăn nuôi và NTTS bị thiệt hại, lãnh đạo chính quyền địa phương cũng vận động người dân khôi phục lại chuồng trại, lồng bè, đầu tư con giống để tái sản xuất.
“Hiện, thiệt hại của các hộ sản xuất nông nghiệp vẫn đang được các địa phương tiếp tục được thống kê. Cũng giống như các tỉnh, thành khác, việc hỗ trợ các hộ dân được triển khai theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Các xã, phường đang khẩn trương thiết lập, hoàn thiện hồ sơ để gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Ngành nông nghiệp cần một “cú hích” lớn để có thể phục hồi sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Đỗ Gia Khánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với những thiệt hại nặng nề đã được thống kê, các cơ chế hỗ trợ cũng chỉ phần nào làm giảm gánh nặng, áp lực về mặt tài chính cho các hộ dân.
Anh Đỗ Mạnh Toàn (huyện Cát Hải) chia sẻ: “Toàn bộ vốn liếng, chúng tôi đầu tư hết vào những lồng cá để chờ ngày thu hoạch nay mất trắng. Điều mà người dân mong chờ nhất bây giờ là nguồn vốn để tái sản xuất”.
Để chia sẻ khó khăn với người dân, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã tham mưu UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại của thành phố rà soát, tổng hợp các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để kịp thời có giải pháp hỗ trợ nhằm kịp thời khôi phục sản xuất sau bão.
Trên cơ sở đề xuất của Sở NN&PTNT, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đã có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm các giải pháp hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp bị thiệt hại sản xuất nông nghiệp sau bão.
Trước mắt, Hải Phòng sẽ nghiên cứu tăng nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay nhằm kịp thời phục hồi sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, NTTS theo mức lãi suất thấp nhất có thể. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cũng xem xét khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ, cho vay tiếp đối với các đối tượng vay bị thiệt hại sau bão số 3.