Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng cảnh mua bán tại “thủ phủ” trồng đào lớn nhất Hải Phòng không được sôi động như mọi năm. Nhiều gốc đào đẹp được người bán giới thiệu nhưng mức giá cao khiến ít người xuống tiền.
Xã Đặng Cương (nay là phường An Hải, quận An Dương) được xem là “thủ phủ” trồng đào lâu đời bậc nhất tại Hải Phòng. Làng đào cổ thụ, đào cảnh này nổi tiếng xa gần vì vẻ đẹp của những gốc đào được người dân địa phương kỳ công lên miền núi mua về để ghép mắt với đào vườn.
Thông thường, khoảng mùng 10 tháng Chạp hàng năm, khắp các ngả đường dẫn ra cánh đồng đào đã đông vui, nhộn nhịp tiếng cười nói, chào khách thăm đào Tết. Năm nay, phải đến ngoài Rằm tháng Chạp, khách mới lác đác đến ngắm cây. Ngay cả dịp cuối tuần, khách cũng khá thưa thớt.
Tại tổ dân phố Hòa Nhất, Tự Lập, Dân Hạnh, những nơi có diện tích trồng đào lớn nhất phường An Hải, cảnh tượng mua bán diễn ra khá trầm lắng, khác hẳn với không khí sôi động của những mùa Tết trước.
Ông Lê Đình Thắng, chủ vườn rộng 5.000 m2 chia sẻ: Đến khoảng 20 Âm lịch hàng năm, vườn đào của tôi đã bán, cho thuê được khoảng 450-500 gốc, nhưng năm nay mới “ra hàng” được khoảng 150 gốc. Dự kiến đến hết 30 Tết, vườn chỉ bán, cho thuê được khoảng 200 gốc. Trong số này, một phần là các gốc đào còn trụ lại sau đợt bão số 3, một phần là các gốc đào được chuyển từ trên vùng cao phía Bắc về. Số lượng ít nên đào tăng giá khoảng 30-40% so với năm trước.
Vừa cắt tỉa, chăm chút cho gốc đào cổ thụ được khách đặt hàng, ông Thắng tâm sự: Năm trước, tôi phải thuê 11 thợ chăm sóc và vận chuyển đào đến nhà khách trong tháng củ mật. Nhưng năm nay, 7 người gồm cả chủ và thợ tập trung ở vườn chờ khách mà vẫn còn “rảnh” tay. Bão Yagi đã “cuốn” theo hàng trăm gốc đào, gây thiệt hại cho gia đình tôi khoảng 2 tỷ đồng. Năm trước, có gốc đào tôi cho thuê được hàng trăm triệu đồng. Nhưng năm nay, gốc đắt nhất mới có giá 40 triệu đồng. Do đó, phần lãi không thấm vào đâu, ước tính cũng chỉ đủ 10% tiền mua giống từ các tỉnh chuyển về, thay thế cho các gốc đào đã bị bật rễ, úng ngập sau bão.
Với người nông dân Đặng Cương, mỗi vườn đào không khác gì cuốn sổ tiết kiệm của gia đình. Theo bà con, các gốc đào dáng đẹp, thế độc lạ được khách thuê chơi Tết và trả lại sau khoảng hơn 1 tháng. Điều này có nghĩa là các gốc đào được “tái” sử dụng cho những năm sau. Do đó, với giá trị bền vững mà những gốc đào mang lại, bà con luôn nâng niu, chăm chút đồng thời tạo mọi điều kiện để vườn đào phát triển tốt nhất.
Vừa tưới nước cho đào, ông Nguyễn Xuân Hòa (tổ dân phố Dân Hạnh) nói: Tôi thấy còn hạnh phúc hơn một số bà con khác vì không bị “mất trắng” sau bão. Với khoảng 20% số đào còn sót lại, tôi chăm bón, nuôi dưỡng để phục vụ khách vào dịp Tết, mong sao vớt vát được phần nhân công và chi phí giống cây.
Mỗi năm, vườn đào 1.000 m2 của ông Hòa thu được khoảng 400-450 triệu tiền bán, cho thuê đào cảnh. Năm nay, doanh thu chỉ khoảng 100 triệu. Tuy nhiên, do số lượng hàng khan hiếm, giá tăng thêm khoảng 500.000 đồng/gốc đào so với năm trước. Ngay sau bão, ông đã nhanh chóng tới Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La để mua thêm đào rừng về trồng, ghép mắt. Ông hy vọng vườn đào sẽ phục hồi nhanh chóng và cho lợi nhuận vào sang năm.
Anh Nguyễn Xuân Chiến (tổ dân phố Tự Lập) có gần 20 năm gắn bó nghề trồng đào, chia sẻ đây là mùa Tết ảm đạm nhất anh từng trải qua. Sau siêu bão, vườn đào 200 gốc của anh Chiến chỉ còn hơn 50 gốc đủ sức cho hoa vào dịp Tết Nguyên đán. Dù thiệt hại nặng nề, anh Chiến vẫn lạc quan khi chất lượng hoa năm nay khá tốt, thậm chí đẹp hơn nhiều năm trước nhờ thời tiết thuận lợi, có rét.
Không may mắn bằng ông Thắng, ông Hòa, anh Chiến, hàng loạt chủ vườn khác thiệt hại nặng. Đa phần các vườn đào đều có cây chết, số còn lại chất lượng kém, buộc người dân phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận trước mắt, ưu tiên bảo tồn gốc đào. Không chỉ vậy, với các vườn “mất trắng”, bà con phải bắt tay vào trồng lại toàn bộ.
Trao đổi cùng phóng viên, ông Nguyễn Văn Bến, Chủ tịch UBND phường An Hải, quận An Dương, TP Hải Phòng cho biết, phường An Hải được sáp nhập từ xã Đặng Cương và xã Quốc Tuấn. Đến thời điểm hiện tại, phường có tổng số 120 ha diện tích trồng đào.
Theo thống kê sơ bộ, năm nay, khu vực Đặng Cương thiệt hại đến 70-75% diện tích trồng đào, tập trung chủ yếu trên các cánh đồng thấp, gần sông, gần mương. Chỉ còn khoảng 15-20% diện tích cây có thể cứu được gốc và chưa đến 10%, có thể bán ra thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025. Riêng khu vực ở Quốc Tuấn, các vườn đào mất trắng 100%, không thể cứu vãn. Do đó, theo mặt bằng chung, các vườn đào năm nay đều tăng giá.
Hiện, chính quyền địa phương đã và đang vận động nông dân tái đầu tư trên những phần ruộng đào đã bị hỏng do bão, khôi phục dần theo khả năng của các gia đình. Tuy nhiên, điều mà người dân mong chờ nhất là tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi để đầu tư về giống, tái sản xuất cho vụ Tết năm tới.