Sau cuộc họp của Ban Tuyên giáo Trung ương với Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bàn về vấn đề tích hợp trong môn Lịch sử, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (ĐHSP Hà Nội), nguyên Phó ban Khoa giáo Trung ương, người tham dự trong cuộc làm việc này về những nội dung thống nhất trong buổi làm việc và những vấn đề đặt ra tiếp theo.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ.
PV: Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử VN đã ngồi lại với nhau bàn phương hướng tích hợp cho môn Lịch sử. Là người tham dự, ông đánh giá buổi gặp gỡ này như thế nào?
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ: Trong buổi nói chuyện có một số nội dung chính: Hội Khoa học Lịch sử VN đã thống nhất với Bộ, về cơ bản ở bậc tiểu học, Lịch sử sẽ tích hợp trong môn học chung cùng với một số ngành khác. Tôi cho như thế là được. Tôi cũng đang làm đề tài ở tiểu học sẽ tích hợp giữa Sử và Địa, thêm một số kiến thức khác. Nghĩa là sẽ không dạy Lịch sử theo kiểu từ thời kỳ Hùng Vương cho đến hiện nay, mà chuyển thành những câu chuyện, chủ đề lôi cuốn, hấp dẫn học sinh, sao cho dễ nhớ, dễ hiểu nhất. Còn THCS quan điểm của tôi, theo đúng tinh thần của Quốc hội là phải tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong CT, SGK mới. Nếu hiểu đúng tinh thần tiếp tục giữ môn học thì phải có hai môn, Sử riêng và Địa riêng. Đây có thể coi là phương án một. Cũng nhiều anh em cán bộ giảng dạy Lịch sử đồng ý với phương án này.
Phương án hai cũng có một số người đồng ý, đó là để môn Lịch sử và Địa lý, chứ không gọi Sử Địa, hoặc Lịch sử - Địa lý (như vậy cũng vẫn là một môn). Ý kiến GS Phan Huy Lê cơ bản cũng đồng ý với phương án này. Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đưa ra phương án này. Trong kết luận, tên gọi môn này sẽ được nghiên cứu tiếp với hai phương án: Một là Lịch sử riêng, Địa lý riêng; Hai là Lịch sử và Địa lý là một môn học.
Trong hội nghị cũng bàn nhiều đến chuyện viết SGK thế nào. Theo quan điểm của tôi thì chuyện viết tính sau. Vẫn có thể gọi là môn Lịch sử và Địa lý với một quyển sách cũng được. Một quyển thì trên bìa ngoài có tên gọi là Lịch sử và Địa lý. Trong đó, phần một là Lịch sử, phần hai Địa lý và phần ba là chủ đề chung.
Hoặc phương án để Lịch sử riêng, Địa lý riêng thì theo tôi cũng không cần thiết phải có ba quyển sách. Ông tổng chủ biên của môn Địa lý, ông tổng chủ biên của môn Lịch sử sẽ bàn với nhau những chủ đề nào chung để ở quyển Địa lý, chủ đề chung nào để ở Lịch sử. Như thế thì vẫn có thể làm được.
-Với hai phương án này, ông nghiêng về phương án nào?
Tôi nghiêng về Lịch sử riêng, Địa lý riêng (phương án 1), đúng như tinh thần của Quốc hội là giữ nguyên môn Lịch sử. Phần tích hợp, hai ông tổng chủ biên ngồi cạnh nhau sẽ bàn bạc rất cụ thể, phần nào để cho môn Địa lý phần nào để cho môn Lịch sử. Hoặc vẫn có thể có khái quát chung.
Tất nhiên phương án 2, chung hai môn thì phần viết chung dễ hơn. Cả hai phương án đều có thể đồng ý.
Nghĩa là vẫn có thể tích hợp được những kiến thức chung giữa Lịch sử và Địa lý. Bản thân môn Lịch sử đã tích hợp rồi. Dạy bài Lịch sử nào cũng phải nói đến điều kiện địa lý, sự phát triển, thậm chí tổng hợp các môn khác. Bản thân khoa học lịch sử, sử dụng kiến thức các môn khác để làm cho Lịch sử tốt hơn.
Ông vừa nói, ở phương án 1 không cần đến ba cuốn sách?
- Theo tôi không cần ba cuốn sách. Vẫn có thể có hai quyển. Quyển Lịch sử và Địa lý. Còn sẽ tìm những chủ đề nghiêng về môn nào thì để môn đó. Ở Phương án 2 thì có thể có một cuốn chung, nhưng thực chất vẫn là 2 cuốn.
Theo ông, nếu theo phương án 2, việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa có khó không?
- Tôi nghĩ cả hai phương án đều làm được. Chương trình Địa các thầy sẽ làm theo kiểu Địa. Chương trình Sử chúng tôi cũng đã có dự kiến rồi. Trước đây học Lịch sử thế giới xong mới học tới Việt Nam, nhưng dự kiến ở đây sẽ thực hiện tích hợp trong nội bộ môn Lịch sử. Học theo kiểu lịch sử thế giới sau đó sẽ nói lịch sử khu vực, lịch sử VN.
Tất nhiên phương án này cũng khó vì có chỗ trùng nhau, có chỗ sự kiện không trùng nhau. Nhưng chúng tôi nghĩ chỗ nào tích hợp được, chỗ nào trùng thì làm… còn chỗ khác nghĩ cách làm khác. Làm thế nào cho học sinh hiểu và thực hiện mục tiêu chủ yếu: Lịch sử thế giới làm cho học sinh hiểu rõ lịch sử VN. Quốc sử rất quan trọng. Từ những kiến thức lịch sử thế giới để học sinh hiểu lịch sử VN, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức lịch sử dân tộc.
Với phương án 2, có cần tới hai giáo viên không – một giáo viên Lịch sử và một giáo viên Địa lý?
- Phải là một giáo viên dạy Lịch sử riêng và giáo viên dạy Địa lý riêng. Có thể những chủ đề chung ở phần ba thì giáo viên Lịch sử hay Địa lý đều dạy được. Ví dụ bài biển đảo thì Địa lý chủ yếu mô tả, còn Lịch sử thì nói chủ quyền, nhưng cái đó cả hai cùng hiểu được. Sau này đào tạo giáo viên, phải đào tạo họ cùng dạy được những chủ đề chung.
Vậy ở bậc THPT, kết luận của hội nghị đưa ra như thế nào, thưa ông?
- Điều đề nghị của Hội Khoa học Lịch sử VN là đến THPT môn Lịch sử là môn bắt buộc, và kết luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, Lịch sử cũng là môn bắt buộc. Thậm chí ông Vũ Ngọc Hoàng còn nói rõ hơn, Lịch sử 1 là bắt buộc, Lịch sử 2 cũng là bắt buộc.
Lịch sử 1 là bắt buộc cho tất cả các em chọn môn KHTN như Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ, chỉ trừ các em chọn Lịch sử 2 để đi vào học ĐH và những ngành liên quan đến Khoa học xã hội. Cả hai Lịch sử 1 và 2 đều bắt buộc chứ không liên quan đến Địa lý. Giải pháp của tôi với Địa lý như thế này: Có môn KHXH, để dành cho các em theo KHTN. Môn KHXH có hai phân môn nữa là Lịch sử và Địa lý. Bây giờ Lịch sử chuyển sang bắt buộc rồi, tôi dề nghị Địa lý bây giờ cũng gọi là Địa lý 1 và Địa lý 2. Địa lý 1 dành cho các em học môn KHTN. Còn môn Địa lý 2 dành cho các em chọn vào ĐH học môn Địa lý, thì chương trình tổng thể của Bộ vẫn có điểm kế thừa được chứ không phải thay đổi hoàn toàn.
Nếu Lịch sử là môn thi bắt buộc, còn môn Công dân với Tổ quốc nữa, liệu có quá nặng với các HS thi tốt nghiệp không?
- Theo tôi là không nặng. Theo chủ trương giảm môn học bắt buộc và tăng môn tự chọn, thì Lịch sử có đặc thù riêng. Nếu học tập kinh nghiệm các nước khác, nhưng có nước lịch sử có mấy chục năm, nên tích hợp hay không học không sao. Còn chúng ta có lịch sử bốn nghìn năm thì phải học chứ!
Cái này đến bước hai sau khi có chương trình, “chính danh định phận” rồi mới bàn xem như thế nào, trong cách viết cách dạy cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Chứ không thể nặng nề kiểu hàn lâm như hiện nay.
Ngay cả bản thân SGK cũng phải đổi mới lại. Trước đây kiến thức SGK nhiều, bây giờ có thể giới thiệu từng chương, trong chương có hình ảnh, tiểu kết của chương. Có phần tư liệu về lịch sử, thậm chí đưa tranh ảnh nhiều, bản đồ nhiều…
Nếu sau này có CT hay, SGK hay nhưng có vấn đề rất quan trọng là đội ngũ giáo viên phải dạy giỏi. Như vậy tôi nghĩ tình hình sẽ được khắc phục.
Trân trọng cảm ơn ông!