Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND TP Hà Nội ngày 15/8, một thông tin được chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra khiến nhiều người giật mình: Chi phí cho việc cắt cỏ và trồng hoa trúc anh đào, hoa dâm bụt trên 24 km đại lộ Thăng Long mỗi năm ngốn hết 53 tỉ đồng. Và điều đó là “không thể chấp nhận được”- theo Chủ tịch TP Hà Nội.
Đại lộ Thăng Long ngốn vài chục tỷ đồng mỗi năm cho việc cắt cỏ.
Đó là nói riêng 24km kể trên; còn việc cắt tỉa cây hoa, cỏ ở các quận trên địa bàn cũng tốn nguồn kinh phí không nhỏ tí nào với khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm. Chính vì lý do này, kể từ 1/7 vừa qua, Hà Nội đã buộc phải dừng việc cắt tỉa hoa, cỏ trên diện rộng vì chi phí quá cao.
Nói tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Chung cho biết, “Thành phố đã nhận thức được vấn đề này và yêu cầu tất cả các quận dừng toàn bộ việc cắt tỉa cây hoa cảnh và cỏ tại các vườn hoa, chỉ để lại một số điểm trung tâm như ở quận Hoàn Kiếm. Việc dừng này tiết kiệm khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm”- ông Chung nói. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng đồng thời cho biết, sẽ trồng cây trên toàn bộ quỹ đất dọc đại lộ Thăng Long với hy vọng sẽ tạo một không gian xanh, một lá phổi xanh cho TP.
Thực ra chuyện làm đẹp thành phố; mà lại là một thành phố Thủ đô của một nước thì ai cũng ủng hộ. Nhưng làm đẹp mà phải tốn quá nhiều tiền, hiệu quả lại chưa thật sự cao như kiểu làm đẹp tại 24km trên đại lộ Thăng Long thì lại là điều đáng bàn hay nói chính xác hơn là đáng phải xem xét lại. Vì thế, quyết định dừng việc cắt tỉa hoa, cây cảnh tại đại lộ Thăng Long chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của cử tri và nhân dân.
Hai hôm nay, trên các diễn đàn, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quyết định của Hà Nội. Thậm chí, cũng có nhiều người hiến kế việc nên trồng loại cây gì ở trên đại lộ đẹp nhất Thủ đô. Nó cho thấy, người Hà Nội thật sự quan tâm nhiều đến cảnh quan, môi trường sống; quan tâm đến sự phát triển của Thủ đô. Đây là điều đáng mừng.
Nhưng, cũng từ câu chuyện của việc cắt cỏ trên 24 km dọc đại lộ Thăng Long mới thấy một mối lo tuy mới lờ mờ thôi về việc, có hay không sự trục lợi trong việc chỉnh trang đô thị, làm đẹp TP?
Sở dĩ, người ta lo là vì, bản thân TP này không phải chưa bao giờ có chuyện với cây xanh. Tháng 3 năm 2015, trong một “chiến dịch” thay thế hơn 6.700 cây trên 190 tuyến phố, Sở Xây dựng Hà Nội dự chi 73 tỉ đồng ngân sách. Trong đó, để khảo sát hết 1 tỉ đồng, đánh mã số cây hết 4,5 tỉ đồng. Tất cả đều là tiền ngân sách. Vào thời điểm ấy dư luận cũng đã một phen ồn ào về việc khảo sát và đánh mã số cây chứ chưa nói đến chuyện chặt hạ cây xanh cũng ồn ào không kém.
Vấn đề là ở chỗ, tiền là tiền dân dù cho đó là nguồn ngân sách. Nếu tiết kiệm nguồn ngân sách ấy, rất có thể con em của Thủ đô sẽ có thêm nhiều sân chơi, những nơi sinh hoạt cộng đồng đẳng cấp. Và, xét cho cùng số tiền ấy cũng là do dân đóng thuế mà có.
Bản thân Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thẳng thắn cho biết tại buổi tiếp xúc cử tri, với việc trồng cây xanh, những năm qua TP đã xã hội hóa nhưng về bản chất không phải tiền tư nhân mà từ ngân sách thành phố đặt hàng. Mà phải nói thật, Hà Nội- TP xanh của cả nước sao lại lắm duyên nợ với cây xanh đến thế! Để trồng cây thì phải chặt bỏ cây cũ bị hư hỏng. Muốn biết cây nào không đủ tiêu chuẩn thì phải khảo sát.
Khảo sát xong mới trồng. Thế mà vẫn chưa xong! Trồng rồi sau một cơn mưa bão, nhiều cây trồng cả tháng hay vài tháng bỗng ngã như rạ. Người ta vì thế lại phát hiện ra một hiện tượng không mới mà sao làm đau lòng nhiều người đến thế. Cây bật gốc mới lộ nguyên việc nhiều cây được trồng với nguyên bầu bọc nilon.
Thế mới biết, nhiều doanh nghiệp công ích đang như những con bạch tuộc hút tiền ngân sách mà nếu không khéo sẽ rất khó kiểm soát. Và việc thanh kiểm tra đối với các doanh nghiệp công ích nên được làm thường xuyên, liên tục để một đồng tiền làm đẹp cho TP cũng phải được chi dùng đúng mục tiêu, đúng yêu cầu.
Nói thế vì, làm đẹp vốn là một phạm trù rất khó để tính toán nhiều ít về chuyện tiền nong. Làm đẹp cho không gian sống cũng rất khó tính toán nhất là với không gian công cộng. Cũng vì thế mà nếu không có chuyện xẩy ra thì sẽ rất khó soi giá thành, chất lượng; bởi, cha chung không ai khóc… và dễ được xí xóa, bỏ qua hay hòa cả làng. Nhưng, với Hà Nội, người ta hy vọng tới đây sẽ không còn phải nghe những chuyện thật như đùa kiểu cắt cỏ hết 53 tỉ đồng/năm.