"Vì những con tàu vỏ thép của đoàn tàu không số đã bị địch phát hiện, chúng săn và đánh dữ dội, ta tổn thất nhiều nên lần này các đồng chí đưa tôi vượt biển, nhưng đi bằng hai thuyền đánh cá bằng gỗ loại nhỏ đã cũ".
Chúng tôi xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh:
***
Đầu năm 1969, khi cách mạng miền Nam đứng trước những thử thách vô cùng nghiêm trọng, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 9. Khi đó, Quân khu 9 chưa nhận thức được âm mưu thủ đoạn của địch, nên để quân địch phản công lấn tới, còn ta thì mất đất mất dân. Địch đã bình định lấn chiếm gần hết vùng đông dân trước đây, chỉ còn căn cứ U Minh và khu giải phóng Cà Mau. Lực lượng chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương đều mất sức chiến đấu.
Cuối năm 1970, trên điều anh Võ Văn Kiệt xuống thay anh Ba Bường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung củng cố về tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang, góp phần khôi phục lại lực lượng chính trị, chỉ đạo phương châm tác chiến, phương thức đấu tranh, khôi phục lại thế và lực của Khu 9, tạo nên một sự chuyển biến mới.
Anh Võ Văn Kiệt nắm khá vững vùng Vĩnh Long, Trà Vinh, phía sông Tiền, địa bàn hoạt động của anh từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Hôm đầu gặp nhau, tay bắt mặt mừng, anh Kiệt tâm sự, khi anh Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh xuống Khu 9, anh nói ở Vĩnh Long, Trà Vinh, phía sông Tiền thì tôi nắm được còn phía sông Hậu không nắm được.
Anh Hùng bảo: “Anh Sáu Nam (Lê Đức Anh) và anh Ba Bường đã giải quyết cơ bản chỗ đứng chân”. Rồi anh đưa cho mấy bức điện của Sáu Nam gửi về Trung ương Cục, anh nói “tình hình có khá hơn, có đỡ rồi”. Anh đọc lại một câu trong bức điện của tôi: “Ngổn ngang như mối tơ vò, chúng tôi cố gắng lần mò tiến lên”. Chúng tôi cùng cười bắt chặt tay nhau, quyết tâm kề vai sát cánh, hợp sức vượt qua giai đoạn khó khăn cao độ này.
Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh (người đang giơ tay chỉ) và Phó Chính ủy miền Nam Lê Văn Tưởng (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh miền Nam tại căn cứ Tà Thiết năm 1971.
Tháng 9/1969, địch tập trung lực lượng, có B52 yểm trợ, tổ chức cuộc hành quân đánh phá và lấn chiếm U Minh. Dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Quân khu, ngay từ những ngày đầu, quân và dân U Minh Thượng đã chặn đánh các mũi tiến công của địch. Đến tháng 3/1970, Quân khu sử dụng Trung đoàn 2, tiểu đoàn đặc công của Khu và Đoàn 6 pháo binh tổ chức đánh tập kích tiêu diệt sở chỉ huy Chiến đoàn 33 tại kênh Họa Đồ, buộc địch phải rút chạy. Cuộc hành quân lấn chiếm U Minh của địch thất bại.
Thời điểm đó, trong cấp chỉ đạo, lãnh đạo của Quân khu nổi lên hai cách nhìn, hai chủ trương khác nhau. Một là, trong xuân - hè và cả năm 1970, ta phải giải phóng được đại bộ phận vùng nông thôn, đưa bộ đội chủ lực Khu lên giải phóng Cần Thơ. Hai là, sử dụng tất cả lực lượng hiện có kiên trì bám trụ, tiêu hao tiêu diệt quân địch; tạo điều kiện để khôi phục lại vùng kìm và vùng địch mới lấn chiếm; chuẩn bị những điều kiện cơ bản để giành lại địa bàn đông dân nhiều của ở phía trước.
Cuộc đấu tranh giữa hai chủ trương đó kéo dài đến tháng 9/1970 mới đi tới nhất trí trong Hội nghị Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu ủy, có kết hợp thu thập ý kiến rộng rãi của bên dưới. Tại hội nghị này Khu ủy đã ra nghị quyết cụ thể về việc bám trụ đánh địch, trong đó chỉ rõ: Lực lượng vũ trang phải bám dân, sống trong dân, làm chỗ dựa cho dân, cùng với dân hình thành lực lượng tổng hợp tiến công địch.
Và tôi, Tư lệnh Quân khu, thường trực chỉ huy tại đây. Lội nước nhiều, bên chân trái vốn yếu từ nhỏ lại đau nhức, hành hạ tôi. Nhưng không thể không cố gắng vì phía trước là kẻ thù, hơn nữa trong mọi lúc, nhất là lúc gian khổ ác liệt, bao nhiêu con mắt của cán bộ, chiến sĩ cấp dưới đều nhìn vào Tư lệnh, người chỉ huy của họ.
Dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh, các lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã anh dũng chiến đấu. Điển hình là Trung đoàn 1, bộ đội ta đứng chân trên hai bờ kênh, hai bên là đồng trống, 1.000 quân đấu với trên 1 vạn quân địch cộng với phi pháo, tàu thuyền, chất độc hóa học tăng cường. Lúc đó, tôi nói: Bom đạn ác liệt thế này, chết là chuyện thường, sống mới kỳ! Về sau anh em cứ nhắc lại mãi câu này. Anh em đã dùng chiến thuật vận động là chủ yếu để đánh địch, kết hợp với quần chúng, các má, các chị làm binh vận, kêu gọi quân lính rã ngũ.
Cuộc hành quân tháng 11/1973 của địch bị bẻ gãy hoàn toàn. Từ đây địch chấm dứt bình định lấn chiếm Chương Thiện. Đến đây, trên địa bàn Khu 9, kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của Nguyễn Văn Thiệu cơ bản đã bị phá sản.
Tàu mang số hiệu 158, chở Tư lệnh Quân khu 9 Lê Đức Anh vượt biển ra Bắc họp cuối năm 1973.
Giữa tháng 11, nhận được điện của Trung ương gọi ra báo cáo, tôi đi thẳng ra miền Bắc. Lúc đi giữ bí mật tuyệt đối, tàu vào rạch đón rồi lặng lẽ đi luôn. Tôi đi bằng đường thủy bị trục trặc.
Trước đó, vì những con tàu vỏ thép của đoàn tàu không số đã bị địch phát hiện, chúng săn và đánh dữ dội, ta tổn thất nhiều nên lần này các đồng chí đưa tôi vượt biển, nhưng đi bằng hai thuyền đánh cá bằng gỗ loại nhỏ đã cũ.
Ngày 24/11/1973, các đồng chí lái tàu xin ý kiến tôi nên đi như thế nào. Tôi nói với các đồng chí đó về hướng đi. Đồng chí Mâu cho thuyền lặng lẽ nhổ neo. Đi được một chặng thì gặp gió to, nước tràn vào thuyền, thuyền bị thủng và chìm, những người trên thuyền phải dồn tất cả lên chiếc thuyền còn lại. Khi ra đến ngang Vũng Tàu thì quyết định tạt vào bờ cho một số người ở lại…
Mọi người sốt ruột, trong khi gió vẫn rất to. Tôi quyết định cứ nhổ neo và đi. Ra ngoài khơi, gió mạnh đã thổi dạt thuyền của chúng tôi đến đảo Hải Nam, Trung Quốc. Sau đó Hải quân Trung Quốc thông báo cho hải quân ta sang đón và đưa về cảng Hải Phòng. Chúng tôi đã vượt qua sóng to, gió lớn, vượt qua hiểm nguy, đi mất bảy ngày đêm.
Trích Hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của Đại tướng Lê Đức Anh