Ngày 22/4 sau chuyến hải trình dài 9 ngày đưa 55 kiều bào từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ về thăm quân, dân Trường Sa và nhà giàn DK1/20, cảm xúc đọng lại trong mỗi người chắc chắn sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên.
Vào những ngày cuối của hải trình, trên con tàu KN 490, ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao - đã chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết những cảm xúc, những điều đọng lại từ những hải trình đưa kiều bào đến với Trường Sa đó.
Tình quân dân trên đảo Sinh Tồn Đông.
PV: Thưa ông, đây là lần thứ 8, Ủy ban tổ chức cho đoàn kiều bào đi thăm, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1. Ông có thể đánh giá tổng thể kết quả của 8 chuyến đi trong những năm qua?
Ông Lương Thanh Nghị: Trước hết phải khẳng định là việc Ủy ban phối hợp với Quân chủng Hải quân cũng như các cơ quan chức năng tổ chức chuyến đi cho kiều bào của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1 là nhằm đáp ứng nguyện vọng cũng như sự quan tâm của kiều bào đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Bên cạnh đó, việc tổ chức các chuyến đi như thế khẳng định sự quan tâm cũng như chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, coi kiều bào là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Thứ ba, việc tổ chức các chuyến đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK 1 góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đồng thời chúng tôi cũng hy vọng sau mỗi chuyến đi các kiều bào của chúng ta sẽ trở thành những sứ giả để lan tỏa tình yêu trong cộng đồng cũng như trong bạn bè quốc tế, trước hết là đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, sau nữa là lan tỏa tình yêu với biển đảo quê hương trong cộng đồng Việt đang sinh sống, học tập và làm ăn ở nước ngoài. Một điều quan trọng khác, đây là dịp bà con về nước được dịp giao lưu gặp gỡ với bà con trong nước, với các chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa; đồng thời cũng là cơ hội để kiều bào của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới giao lưu gặp gỡ nhau.
Phải nói rằng, sau mỗi chuyến đi như vậy đã hình thành một đại gia đình của kiều bào cũng như nhân dân trong nước. Kiều bào của chúng ta đã có những hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước. Ví dụ như kiều bào đã phối hợp với nhau thành lập các CLB mang tên Trường Sa hay CLB vì biển đảo quê hương ở rất nhiều nước trên thế giới. Chính những CLB như vậy đã giúp tuyên truyền cũng như lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương, không những trong cộng đồng người Việt Nam mà đối với cả bạn bè quốc tế. Hiện nay trong cộng đồng chúng ta cũng có rất nhiều cá nhân hoạt động rất tích cực, góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước. Ví dụ như trường hợp của anh Trần Thắng (Mỹ) và rất nhiều cá nhân khác. Họ dành rất nhiều thời gian, công sức và thậm chí là tiền bạc để đi sưu tầm những tài liệu cổ góp phần khẳng định chủ quyền của chúng ta với quần đảo Trường Sa. Họ còn tổ chức những hội thảo về Biển Đông để giúp cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về lập trường của chúng ta về vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, kiều bào của chúng ta ở nhiều nơi, trong nhiều năm qua đã đóng góp rất tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần cho quân và dân huyện đảo Trường Sa.
Sau 8 lần tổ chức, kiều bào đã quyên góp ủng hộ được 1 xuồng chủ quyền và đã đóng góp cho Quỹ Vì biển đảo quê hương khoảng 5 tỷ đồng. Mỗi chuyến đến với Trường Sa và nhà giàn DK 1, đồng bào ta ở bên ngoài đã mang rất nhiều hiện vật cụ thể và thiết thực, có ý nghĩa đối với các chiến sĩ và nhân dân ngoài đảo. Ví dụ như, Quỹ Vì biển đảo quê hương của các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc trong nhiều năm qua đã trang bị các máy phát điện mini và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời cho một số đảo ở quần đảo Trường Sa; CLB Trường Sa của các bạn trẻ ở Singapore trang bị những bộ tập thể dục đa năng cho một số đảo.
Vậy kết quả cụ thể của chuyến đi này như thế nào, thưa ông?
- Riêng chuyến đi của đoàn công tác số 5 năm 2019, kiều bào tại Ba Lan đã trang bị 10 bộ tập thể dục đa năng cho đảo Sơn Ca, 12 bộ máy vi tính trang bị cho các đảo nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho quân dân trên các đảo. Trong lần này, kiều bào của chúng ta quyên góp được bằng hiện vật và tiền mặt khoảng 1,2 tỷ đồng trong đó có khoảng 200 triệu sẽ được góp vào Quỹ Vì biển đảo quê hương của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân. Đến các điểm đảo bà con cũng có các phần quà nhỏ để tặng các chiến sĩ, gửi gắm tình cảm trong đó nhằm động viên chiến sĩ và nhân dân trên đảo.
Qua các chuyến đi bà con kiều bào đã tận mắt chứng kiến đời sống của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo ngày càng được cải thiện. Bà con cảm nhận được ý chí quyết tâm của các chiến sĩ trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Rất nhiều kiều bào khi đến các đảo đã rất xúc động, rất nhiều người đã rơi nước mắt khi thấy được cuộc sống của chiến sĩ ta ở một số đảo đá và nhà giàn vẫn còn khó khăn. Chúng tôi được biết, trước mỗi chuyến đi như vậy, ở rất nhiều địa bàn, kiều bào phát động phong trào quyên góp ủng hộ các chiến sĩ, nhân dân trên đảo…
Sau 8 hải trình như vậy Ủy ban có ý tưởng gì để những hải trình tiếp theo có nhiều ý nghĩa hơn, có nhiều đóng góp thiết thực hơn, thưa ông?
- Sau 8 năm thực hiện, chủ trương của chúng tôi là tiếp tục phối hợp với Quân chủng Hải quân để tổ chức các chuyến đi các năm sau. Mỗi hành trình sẽ có một hải trình khác. Tiêu chí lựa chọn của chúng tôi là ưu tiên cho các kiều bào lần đầu ra thăm Trường Sa, trừ trường hợp đặc biệt thì có thể lần thứ 2, thứ 3. Chúng tôi luôn luôn phối hợp cùng Quân chủng Hải quân để tổ chức chuyến đi làm sao có hiệu quả và ý nghĩa. Ví dụ, thường kết hợp cùng đi có những đoàn văn hóa nghệ thuật không chỉ để giao lưu với kiều bào mà còn phục vụ các chiến sĩ trên đảo nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ngoài đảo. Sau mỗi chuyến đi chúng tôi đều lập ra những fanpage và tất cả các thành viên đều tham gia, thường xuyên chia sẻ những câu chuyện, những bức ảnh về Trường Sa.
Ông Lương Thanh Nghị.
Ví dụ, đoàn công tác năm 2018, có kiều bào Nguyễn Xuân Trường ở Slovakia hầu như tuần nào cũng có video clip, câu chuyện hay bức ảnh chia sẻ trên fanpage đó. Đây là hoạt động rất ý nghĩa nhưng đồng thời thể hiện sự quan tâm, tấm lòng của kiều bào chúng ta đối với đất nước nói chung và đối với quần đảo Trường Sa nói riêng. Hầu như năm nào các kiều bào và những đại biểu tham gia chương trình - mà chúng tôi thường gọi là các “chiến sĩ Trường Sa” - cũng gặp nhau để giao lưu ôn lại những kỷ niệm, những chuyến đi để nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu của người dân đất liền đối với nơi đảo xa. Năm nay, có sự kết hợp với Đoàn công tác của tỉnh Yên Bái và Vĩnh Long. Đây là dịp để bà con hiểu và giao lưu với các địa phương. Tôi chắc chắn, sau mỗi chuyến đi như vậy sẽ để lại kỷ niệm rất đẹp trong lòng kiều bào.
Cũng phải nói thêm là, nhu cầu muốn được đi thăm Trường Sa của kiều bào rất lớn. Tuy nhiên, việc tổ chức chuyến đi phụ thuộc vào thời tiết và các điều kiện khác nên mỗi năm chỉ từ 50 đến 80 kiều bào được tham gia; những năm trước đây chỉ 30-40 kiều bào có thể tham gia chuyến đi thăm Trường Sa.
Đây là lần thứ 2 ông đi thăm Trường Sa. Ông có thể chia sẻ cảm xúc cá nhân qua 2 lần thăm Trường Sa?
- Đặt chân lên đảo Sơn Ca và đảo Trường Sa, mỗi lần có một cảm xúc riêng. Lần trước (năm 2018) khi chúng tôi đến đảo Trường Sa, đảo vừa phải trải qua một cơn siêu bão. Từ trên con tàu KN 491 nhìn xuống thấy ứa nước mắt, nhiều ngôi nhà đã bị sập, rất nhiều cây cối bị quật đổ. Lúc đó, trong tôi dấy lên cảm xúc thương các chiến sĩ: Họ sẽ phải trải qua một thời gian dài khó khăn để khắc phục hậu quả cơn bão. Nhưng lần này đến Trường Sa thì thấy cảnh vật thay đổi rất nhiều. Chỉ trong vòng 1 năm thôi, nhưng cây cối đã bắt đầu xanh tươi trở lại, nhà cửa đã được dựng lại đàng hoàng hơn. Chúng tôi thấy ấm lòng và yên tâm hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng hy vọng sau mỗi chuyến đi như vậy, những câu chuyện cụ thể của mình sẽ lan tỏa được tới đông đảo người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài để có đóng góp hết sức cụ thể và thiết thực hỗ trợ cho quân và dân ta ở huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
Xin trân trọng cảm ơn ông!